Tin tức sự kiện --  02:06 Thứ ba, 09/02/2021

ĐẤT NƯỚC MÌNH ĐẸP DÁNG RỒNG BAY


Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

               Nguyễn Đình Thi

Ngày đầu tiên bước chân vào lớp một, thầy cô chỉ lên tấm bản đồ dạy rằng nước Việt Nam cong cong hình chữ S, nối liền một dải từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Rồi khi lớn lên, ý nghĩa chữ S lớn dần theo.

S trước hết là sự sản sinh, sản sinh ra muôn loài, và cao nhất là nòi giống. Tổ tiên Mẹ Âu Cơ, vừa kết hôn với Đức Lạc Long Quân đã sinh ra một bọc trứng và đẻ ra một trăm người con trai khỏe mạnh há chẳng nói lên điều đó sao. Trải mấy nghìn năm, các thế hệ con cháu Người cứ sinh sôi cứ nảy nở, cho đến hôm nay gần trăm triệu người không chỉ cư trú trên dải đất hình chữ S này, còn đặt chân lên khắp năm châu bốn biển. Một sự sản sinh kỳ diệu bảo tồn và phát triển giống nòi.

S là sự sống, sức sống lâu bền. Từ khi mới xuất hiện, dân tộc ta đã phải đương đầu với những tàn hại do thiên nhiên và ngoại xâm gây ra. Và dân tộc ta như cậu bé làng Gióng - Phù Đông Thiên Vương - vươn vai thành người khổng lồ quét sạch lũ xâm lược Phương Bắc. Đôi khi, chỉ một sơ suất nhỏ: “trái tim lầm chỗ để trên đầu/ nỏ thần vô ý trao tay giặc” cũng dẫn đến thảm cảnh bi thương: “nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (Tố Hữu). Vì mắc mưu Triệu Đà - Trọng Thủy, đất nước ta rơi vào cảnh nghìn năm Bắc thuộc, để lũ giặc Phương Bắc hoành hoành: “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Nguyễn Trãi). Nhưng với ý chí quật cường không chịu khuất phục, dân tộc ta biết bao lần đã vùng lên quét sạch quân xâm lược, giành lại giang san. Khởi đầu khởi nghĩa Hai Bà Trưng “Dẹp ngay Tô Định dẹp tan biên thành/ Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” (Đại Nam quốc sử diễn ca) và kết thúc bằng chiến thắng vang dội của Ngô Quyền nhấm chìm quân Nam Hán xuống sông Bạch Đằng. Để sau đó, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn mười hai sứ quân, quy non sông về một cõi, xưng danh Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), định danh nước Đại Cồ Việt, há chẳng nói lên sức sống lâu bền của Việt Nam đó sao.

Dân tộc Việt Nam có chỉ số IQ khá cao so với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Trải qua lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã sinh ra những người con ưu tú thông minh sáng suốt, đưa đất nước dành những chiến công hiển hách trên các lĩnh vực chính trị quân sự, kinh tế văn hóa giáo dục. Từ các anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh… với các chiến thắng Như Nguyệt, Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ lẫy lừng, đánh tan hàng nghìn vạn quân xâm lược phương Bắc phương Tây. Từ các thi hào Tố Như, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương… đã viết dệt nên những áng văn thơ hào hùng tuyệt đẹp, khi mềm mại uyển chuyển như gấm như hoa, khi cần thiết có sức mạnh bằng mười vạn quân, đỉnh cao là thiên Truyện Kiều tuyệt diệu của Đại Thi hào - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Từ các nhà khoa học kỹ thuật: Lương Thế Vinh, Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa… đã dựng nên các công trình nguy nga đồ sộ, chế ra những vũ khí sắc bén tiêu diệt quân thù, đến những nhà nông học, y học Lương Đình Của, Võ Tòng Xuân, Lê Hữu Trác, Tôn Thất Tùng… đã tạo ra những giống lúa mới, những dược liệu và phương pháp trị bệnh mới đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người. Cách nay mươi năm, khi cả nước tưng bừng đón mừng kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long, một tin vui đã đến với mọi người: Ngô Bảo Châu - một giáo sư trẻ tuổi Việt Nam nhận được Giải thưởng Filds cao quý vì đã chứng minh thành công Bổ đề Cơ bản, lật nhào hòn đá tảng cản đường bao công trình Toán học và Vật lý học của nhân loại hàng chục năm nay. Nhớ rằng đây là lần đầu tiên (và cho đến bây giờ, năm 2020), Ngô Bảo Châu là nhà toán học duy nhất ở Đông Nam Á nhận được Giải thưởng cao quý này. Dân tộc ấy, Đất nước ấy tất phải có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Dân tộc ta có một truyền thống nhân ái, yêu người. Nào phải khi đạo Phật thấm đượm lòng từ bi hướng thiện hay đạo Thiên Chúa dương cao lá cờ bác ái thương người du nhập vào, ngay từ thuở mới xuất hiện, dân tộc ta đã luôn nhắc nhở nhau: thương người như thể thương thân, nhất là những người cùng huyết mạch, tổ tông: nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng, hay: khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Những câu chuyện cổ tích tự ngàn xưa: Tấm Cám, Sự tích trầu cau… càng củng cố truyền thống nhân ái, yêu người ấy. Nhưng phải tỉnh táo nhận ra rằng, truyền thống tốt đẹp đó không chỉ góp phần chính yếu làm nên sức mạnh của dân tộc ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước đầy cam go gian khổ, đôi khi cũng làm mỗi chúng ta sơ suất tin người thiếu cảnh giác, dẫn đến những tổn hại không nhỏ. Những chuyện chàng Thạch Sanh mắc mưu Lý Thông bị tống ngục, nàng Mỵ Châu bị Trọng Thủy lừa lấy nỏ thần dẫn đến nước mất nhà tan, đâu chỉ xảy ra xa xưa!

Trong bốn loài tứ linh: long - ly - quy - phượng, rồng (long) luôn đứng thứ nhất. Nó được gắn với truyền thuyết người Việt “con Rồng cháu Tiên”. Lạc Long Quân con trai của thần Long Nữ. Âu Cơ dòng dõi Thần Nông. Sau khi Âu Cơ đẻ một trăm con trai, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: Ta thuộc giống rồng nàng thuộc giống tiên, không thể ở với nhau mãi được. Bèn đưa năm mươi người con trai xuống miền biển khai khẩn lập nghiệp, Âu Cơ đưa năm mươi người con trai còn lại lên miền ngược khai hoang mở đất. Thực ra, cũng như ly (lân) và phượng, rồng là con vật không có thật chỉ do con người tưởng tượng ra. Mỗi châu lục, mỗi đất nước, rồng tượng trưng cho những thế lực khác nhau và do đó cũng có hình dạng khác nhau. Với phần lớn các nước Châu Á (trong đó có Việt Nam), rồng là loài vật linh thiêng, biểu thị sức mạnh phi thường. Nó được mô tả mình rắn, vảy , bờm sư tử, sừng hươu, không cánh nhưng biết bay. Cơ bản có bốn loại rồng mang bốn sức mạnh của thiên nhiên là bốn yếu tố tạo nên vũ trụ: Gió, Lửa, Đất và Nước. Từ đó con người tưởng tượng ra bốn loại rồng khác nhau: rồng đất, rồng gió, rồng lửa và rồng nước. Trong trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa, hình rồng nước ta mang bản sắc riêng, theo trí tưởng tượng của người Việt. Nó khác với hình rồng trong trang trí kiến trúc và hội họa ở các quốc gia khác. Và mỗi thời kỳ, hình rồng được người Việt khắc họa cũng khác nhau: con rồng thời Lý, thể hiện sự nhẹ nhàng, mỏng manh, giống như đang uốn lượn trong mây, thích hợp với các lễ cầu mưa, trong khi con rồng thời Trần mạnh mẽ hơn, thân hình to và khoẻ khoắn hơn... Tuy thế, ở thời đại nào trong tâm tưởng người Việt, Rồng bao giờ cũng biểu trưng cho sức mạnh phi thường, bảo vệ dân thường, chính nghĩa

Ngoài tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, không hiểu sao mỗi lần nhìn bản đồ Tổ quốc Việt Nam, tôi lại thấy đất nước mình có dáng rồng bay. Nhân dịp kỷ niệm một nghìn năm Kinh đô Thăng long, trái tim tôi đã cất lên ca khúc này: Có địa danh rồng bay lên, có hải danh rồng lặn xuống*; đâu phải người xưa giàu tưởng tượng, đất nước mình đẹp dáng rồng bay. Thưở Lang Liêu biết vỡ đất cấy cày, gieo một hạt trĩu vàng ngàn hạt thóc; bánh dày tượng trời bánh chưng tượng đất, dạy dân lành nhớ nguồn gốc tổ tông. Thương An Tiêm cưỡi sóng Biển Đông, tìm hoang đảo trồng bạt ngàn dưa hấu; ruột dưa đỏ nhuộm màu của máu, mấy nghìn năm nguyên vẹn sắc hồng. Người ra đi từ sông nước Hàm Rồng, đến thuần phục chín con rồng hung dữ; đất Phương Nam mỡ màu thành vựa lúa,  đất nước mình hoàn thiện dáng rồng bay. Phải không em? từ muối mặn gừng cay, từ tấm áo nâu sồng giản dị; như Phù Đổng Thiên Vương, Tổ Quốc vươn vai ngang tầm thế kỉ; sau bao cuộc kháng chiến gian lao kì vĩ, lại trở về nhân ái bao dung, như ngàn xưa con Lạc cháu Hồng.

Lê Quốc Hán

* Thăng Long & Vịnh Hạ Long

 

 

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015