Trao đổi nghiệp vụ --  14:13 Thứ tư, 28/09/2022

Kỷ niệm không dễ phai mờ…


Đến thôn Trường Vịnh, xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân hỏi nhà ông không khó. Bà con quanh vùng khâm phục đến ngỡ ngàng nghị lực vượt khó của vợ chồng, con cái gia đình ông Đoàn Bình Tĩnh. Thay vào căn nhà 2 gian lợp tôn thép lè tè bên trục đường xuôi cữa hội là một căn nhà khang trang, bề thế. Trong phòng khách đầy đủ tiện nghi, ông Đoàn Bình Tĩnh, 1 thương binh, 1 bệnh binh nặng, 1 cựu đại úy đặc công, 1 cựu chiến binh gương mẫu nhớ về cuộc đời quá khứ gian khổ, gian lao và anh dũng chiến đấu, đằm lên gương mặt cương nghị của một thời vất vả nuôi con bên bãi cát vàng.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Đài PT-TH Hà Tĩnh kiểm tra và giới thiệu với Giám đốc Bảo tàng báo chí Cách mạng Việt Nam Trần Kim Hoa về các loại máy ghi hình cũ. Ảnh: QUỐC TUẤN

Ngày ấy, cách đây trên 20 năm, với chiếc xe máy cà tàng của tôi đang băng trên đường sình lầy của cánh đồng Hàn, khi ông đang thả lưới kiếm con cá, con tôm về nuôi con ăn học. Gặp tôi, ông dừng tay thả lưới, miệng mở nụ cười thật tươi: Bác chờ em thu lưới, về nhà ta làm việc và chiêm ngưỡng cái… “biệt phủ” của em…

Trong căn nhà gỗ, cột kèo bằng cây phi lao, lợp tôn trên bãi cát biển màu trắng tinh khôi lấp lánh dưới nắng trưa hè. Xung quanh vài ngàn mét vườn vuông, duy nhất chỉ có mấy chục cây phi lao tươi xanh, vi vu trong ngọn gió nồm từ biển thổi về, nghe mênh mang sóng võ. Đoàn Bình Tĩnh rành rọt kể vắn tắt cuộc đời của mình cho nhà báo nghe như huyền thoại:

Năm 1975, khi vừa tròn 18 tuổi, Đoàn Bình Tĩnh xung phong vào bộ đội. Người chiến sỹ nơi làng chài ấy lỡ hẹn với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Anh cùng đồng đội hành quân vào đến Nha Trang đúng vào trưa 30/4/1975 thì đã hoàn toàn giải phóng miền Nam. Người chiến sỹ trẻ măng ấy được biên chế về đơn vị kiểm soát quân sự tại Thành phố Sài Gòn – Gia Định những ngày đầu giải phóng. Vừa đặt chân xuống mãnh đất Sài Gòn chừng một tuần, Đoàn Bình Tĩnh đã cùng 2 đồng đội đã lập công xuất sắc. Người chiến sỹ ấy, anh dùng vũ thuật bí mật áp sát quật ngã tên Lê Hồng Khanh, là phó tổ chức phản động Quốc dân đảng, khi hắn cùng 2 thuộc cấp trên đường xuống Vũng Tàu để chạy trốn ra nước ngoài.

Một đêm trăng thanh gió mát thông qua công tác trinh sát, cùng với tiểu đoàn trưởng đặc công D31 Hoàng Kim Sang khoác tay nhau dạo chơi trên đường phố Sài Gòn, Đoàn Bình Tĩnh và thủ trưởng Hoàng Kim Sang đã quật ngã và bắt được tên đại tá có nhiều nợ máu với nhân dân Trần Vĩnh Đắc - Trưởng ty cánh sát Sài Gòn - Gia Định, là cục phó Cục chiến tranh tâm lý, chỉ huy trưởng trại giam P42 Sài Gòn và nhiều nhà lao khác. Chính đại tá Đắc và thuộc cấp của hắn đã trộn thuốc độc vào cơm, giết hại hơn 100 đồng bào vô tội ở nhà tù Phú Lợi năm 1958.

Không được trực tiếp đánh Mỹ, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là một “lỗi nhịp”, của cuộc đời Đoàn Bình Tĩnh. Sau một thời gian chiến đấu trong đội hình lữ đoàn 429 đặc công miền đông Nam bộ, trong 1 trận chiến đấu không cân sức, lực lượng địch có tới 2 tiểu đoàn, bộ đội ta chỉ có 1 đại đội, người trung đội trưởng Đoàn Bình Tĩnh đã bắn 15 quả đạn B41, góp công cùng đồng đội tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn địch, thu trên 200 khẩu súng các loại. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã tham gia trên 100 trận đánh địch tại chiến trường Cam Pu Chia.

Tiêu biểu như trận đánh phá hủy Tổng kho đạn Ka Ra Chê, phá hủy trên 250 tấn đạn, thu giữ trên 400 tấn đạn, mở màn chiến dịch giải phóng Thủ đô Nông Pênh, lật đỗ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Lêng Xa Ry. Đoàn Bình Tĩnh đã cùng đại đội trưởng Lê Thái Bê và đồng đội đã bơi giữa sông tiếp cận mục tiêu đặt 4 quả mìn có tổng trọng lượng 200 kg thuốc nổ đánh sập cầu số 1 và số 2 ở tỉnh Công Bông Chàm cắt đứt đường vận chuyển của địch từ Nông Pênh về Công Bông Chàm và các địa phương khác. Sau trận này, Đoàn Bình Tĩnh với cương vị đại đội trưởng chỉ huy đơn vị đánh vào khu phi quân sự Ngả ba Roi Bết, thuộc tỉnh Bát Tam Băng, điệt hơn 1 tiểu đoàn địch…

Bị thương nặng, chấn thương sọ não, giã từ quân đội, với cấp hàm Đại úy, Đại đội trưởng Đoàn Bình Tĩnh rời quân ngũ ở tuổi 34 hưởng chế độ thương binh, bệnh binh 2 (bệnh binh nặng - TG) cho đến nay.

Về nhà với 3 đưa con nheo nhóc, vợ làm nông trên cánh đồng nhiều cát, Đoàn Bình Tĩnh và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hàng ngày, với 4 tay lưới, Đoàn Bình Tĩnh chỉ biết vật lộn trên các cánh đồng quê hương, như đồng Đê, đồng Trọt, đồng Hàn… để kiếm con cá, con tép nuôi con ăn học… Một hôm lãnh đạo xã Xuân Trường đến tìm gặp ông, nhờ ông làm Trưởng ban bảo vệ rừng phòng hộ của xã. Là 1 đảng viên, 1 cựu chiến binh, 1 thương binh nặng, không nỡ nào ngoài cuộc, nhìn rừng phòng hộ chắn cát của quê hương lại bị kẻ xấu đốn hạ mang về làm củi…

Tổ bảo vệ gồm có 3 người do cựu chiến binh, thương binh Đoàn Bình Tĩnh được thành lập. Giải rừng phòng hộ trồng toàn phi lao để chắn cát từ biển hắt vào dài suốt chiều dài của xã Xuân Trường, ước chừng 3km, rộng khoàng 150m với hàng vạn cây phi lao có đường kính trung bình 20cm, cao chừng 5m, xanh ngút ngàn đêm che chắn những trận cuồng phong, bão cát vào làng. Rừng đặc dụng là vậy nhưng hàng ngày kẻ xấu đã lén lút và có cả ngang nhiên chặt cây về làm củi. Dẫu trước đó có 1 ban bảo vệ 8 người…

Dạo ấy, cả xã hội rất thiếu chất đốt. Nhiều bà con phải dùng cào đi lượm lá phi lao về đun bếp. Bởi vậy, kẻ trộm vẫn là người trong xã và các xã lân cận như Xuân Hội, Xuân Đan.

Sau một thời gian ngắn hoạt động, Đoàn Bình Tĩnh và 2 cộng sự đã bắt trên vài chục vụ trộm phi lao, dẫn giải người và tang vật đem nộp cho xã. Một điều rất phấn khởi, cơ quan chức năng cấp xã đã giải quyết thấu tình đạt lý nên nạn trộm cây về làm củi giảm dần…

Trong mấy chụp vụ trộn cây phi lao, có một vụ trộm duy nhất, Đoàn Bình Tĩnh không báo lên cấp trên, như một lòng nhân ái bao la trong người cựu chiến binh đầy uy dũng:

Đêm đó, cuối rừng phi lao bị kẻ gian cuỗm mất 2 cây có đường kính gốc chừng 20cm. Tuy không bắt được tận tay, nhưng đối tượng nghi ngờ thì đã có. Một đêm giá rét Đoàn Bình Tĩnh cầm đèn pin ghé một gia đình xin nước uống. Thông qua tâm sự, người đàn ông chủ nhà đã xúc động đến rơi nước mắt. Đi lại giường mẹ già trên 80 tuổi đang co ro trong chăm lạnh mùa đông. Đoàn Bình Tĩnh hứa với người đàn ông không báo cáo cấp trên, không cho ai biết việc làm không mấy tốt đẹp của người đàn ông này…

Sau giải thích, người đàn ông thông tư tưởng, nhận mình là kẻ trộm 2 cây phi lao ở cuối bìa làng... Người đàn ông đi vội vào nhà, mang ra 1 cái búa, gõ nhẹ vào chân cỗ hậu sự. Khi nắp quan tài được mở ra, có 4 khúc phi lao còn tươi nằm trong cỗ quan tài… Người đàn ông tâm phục, khẩu phục và khai rằng: “Mẹ già yếu tôi trộn 2 cây phi lao về cất dấu trong cỗ quan tài, dùng làm củi sưởi ấm cho mẹ trong những ngày đông giá rét…”.

Chia tay người đàn ông trộn 2 cây phi lao ra về, Đoàn Bình Tĩnh lòng đầy ngỗn ngang suy nghĩ giữa ranh giới pháp luật và tấm lòng của một con người đối với mẹ già trên 80 tuổi, trong cái rét tê dại chân tay nơi sóng biển chiều hôm.

Bây giờ, cụ già đã mất, người đàn ông kia là một công dân tốt. Đoàn Bình Tĩnh đã thoát nghèo, cả 3 con đã tốt nghiệp đại học, có công việc và thu nhập ổn định. Vợ chồng người cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh nặng, đảng viên gương mẫu Đoàn Bình Tĩnh đang sống hạnh phúc cùng con cháu, xóm làng bên mép sóng của xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Vạn vật đã đi qua thời gian 20 năm có lẽ chỉ còn lại kỷ niệm đẹp của người làm báo không dễ phai mờ….

Đinh Quang Lân

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015