Chân dung nhà báo --  02:27 Thứ hai, 14/10/2019

Người "có duyên" ẳm giải báo chí!

Tính đến giải B, Giải Báo chí "Búa liềm vàng" Hà Tĩnh năm 2018 với tác phẩm chính luận:"Lòng yêu nước phải được thể thiện đúng chỗ" (đăng trên báo Hà Tĩnh)Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển nguyên TBT Báo HàTĩnh, nay là Trưởng VPĐD Bắc miền Trung Báo Nhà báo & Công luận đã có trong bộ sưu tập của mình 25 giải báo chí từ Trung ương đến địa phương.


Tính đến giải B, Giải Báo chí "Búa liềm vàng" Hà Tĩnh năm 2018 với tác phẩm chính luận:"Lòng yêu nước phải được thể thiện đúng chỗ" (đăng trên báo Hà Tĩnh)Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển nguyên TBT Báo HàTĩnh, nay là Trưởng VPĐD Bắc miền Trung Báo Nhà báo & Công luận đã có trong bộ sưu tập của mình 25 giải báo chí từ Trung ương đến địa phương.

Phải “đánh hơi” giỏi

Khi được hỏi ông có “bí quyết” gì mà hàng chục năm qua, nhất là từ khi nghỉ quản lý tờ báo Hà Tĩnh đến nay, hầu như năm nào, cuộc thi nào ông cũng “dính”giải. Không phải suy nghĩ lâu, ông nói ngay: “Làm báo như làm công an điều tra hình sư, và anh thợ săn, phải “đánh hơi” giỏi! ”

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT & TT Hà Tĩnh trao giải B, Giải báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Búa Liềm Vàng) năm 2018 cho Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển (Người đứng hàng đầu, thứ 2 từ bên trái sang).

Theo nhà báo Khắc Hiển, dù nghề nghiệp buộc anh phóng viên phải có giác quan nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin thì một mình anh cũng không thể “ôm trọn” được cả xã hội quanh mình. Trong lúc đó lượng thông tin cộng đồng như báo, đài, Facebook, thông tin truyền miệng đưa đến cho ta hàng ngày rất nhiều sự kiện. Là người làm báo giỏi, anh phải “đánh hơi” được trong “rừng” thông tin đó, cái nào sẽ biến thành “con mồi” phục vụ cho mục đích của mình. Cái giải báo chí đầu tiên của tôi có được từ câu chuyện kể rất tình cờ của một bác sỹ. Câu chuyện của ông làm tôi thật sự bị cuốn hút. Tôi cứ hỏi ông hoài từng chi tiết về anh thương binh nặng 4/4 Trần Tài. Trong lúc 2,3 người bạn cùng nghề ngồi kề bên nghe một cách lơ đễnh, không mấy quan tâm thì tôi đã hình thành ý tưởng viết bài. Chẳng mấy chốc, tôi và vị bác sỹ ngồi với nhau đến 2-3 tiếng đồng hồ, và sổ tay công tác của tôi ghi chép lại dày đặc đến hơn chục trang giấy. Tối đó, tôi bật đèn ngồi viết ngay cốt chuyện này. Mấy hôm sau tôi phóng xe máy ra Phòng Chính sách QK4, về nhà riêng Trần Tài ở xã Liên Minh (Đức Thọ) gặp anh hỏi thêm một số chi tiết, chụp vài tấm ảnh, sau đó xác minh lại hồ sơ thương tật của anh tại Sở LĐTB & XH Hà Tĩnh. Nhờ chuẩn bị kỹ thông tin cần có để viết, và vì câu chuyện quá cuốn hút nên tôi chỉ viết trong một đêm xong bài báo mang tên: “Những dồng đội của tôi”. Để kịp dự thi Giải báo chí của Tổng Cục Chính trị “40 năm bộ đội cụ Hồ” tôi gửi ngay ra toà soạn Báo QĐND. Tổng kết giải, tác phẩm được xếp giải A, và sau đó lại vinh dự được trao Giải C giải báo chí toàn quốc.

“Xem bụt phải đến tận chùa”

Kinh nghiệm của nhà báo Khắc Hiển không mới mẻ, mang tính phát minh gì, nhưng rất thiết thực với các nhà báo trẻ, những người đang làm báo thời đại 4.0 này.

Ông tâm sự, thời nay khoa học kỹ thuật phát triển, giúp người làm báo rất nhiều, nhưng chính nó cũng là “tác nhân” làm ảnh hưởng đến chất lượng của các tác phẩm báo chí. Thời của các ông, làm báo là phải đến tận nơi xẩy ra sự kiện, trực tiếp, gặp gỡ, chụp ảnh “tại trận” với nhân vật định viết.

Phải nhìn được, nghe được, cảm được hình ảnh, tiếng nói, việc làm, thành quả của người trong cuộc, khi đặt bút viết mới dễ, mới trôi chảy, không băn khoăn, ngắc ngứ. Ngồi trước trang giấy, xa hàng chục (có khi hàng trăm) cây số, phóng viên vẫn cảm nhận được như đang ở hiện trường. Khuôn mặt, tiếng nói, sự kiện ấy … nó cứ diễn ra sống động, đập vào mắt, in vào bộ nhớ của mình. Thế nên bài viết mới “có hồn”, từng chi tiết, câu chữ trong bài mới hấp dẫn người đọc.

Tình trạng không ít phóng viên thời nay làm báo từ báo cáo, phỏng vấn qua điện thoại, chẳng cần đối diện, đối thoại trực tiếp với chủ thể trong cuộc.Vì thế bài báo viết ra có đầy đủ yếu tố 5,6 đấp – liu (W) như thầy dạy, nhưng đọc thì thấy khô cứng vô hồn, thiếu hấp dẫn. Dĩ nhiên những bài báo được viết theo kiểu này khó mà “lay động” được cảm tình của hội đồng giải.

Cuốn sổ ghi chép- báu vật của nhà báo

Ông cho rằng, đã làm báo thì phải cần cù, chăm chỉ như con ong. Đừng lệ thuộc, tin tưởng vào điện thoại, máy ghi âm mà nêm chịu khó ghi chép vào cuốn sổ tay phóng viên, có cái để tham khảo dùng ngay, có những cái coi như “lương khô” cất đó, chờ cơ hội.Đừng ỉ lại vào máy ghi âm hoặc điện thoại, bởi những thứ này rất dễ mất mắt, hư hỏng.

Tôi đã được chứng kiến những cuốn sổ ghi chép của ông từ hồi còn là một phóng viên của Báo Nghệ Tĩnh. Đã 40 năm qua mà ông vẫn còn giữ lại, cất đặt rất cẩn thận gần 80 cuốn sổ loại này. Từng cuốn, ông lấy bút xoá, ghi ra bìa mặt những sự kiện cần lưu ý mà ông đã ghi chép được để khi cần, dễ tìm. Ông bảo, chúng nó là cẩm nang, thư viện, những thư ký trung thành của ông. Khi cần viết những vấn đề thuộc tính chất lịch sử, hoặc muốn dùng lịch sử để chứng minh cho cái hiện tại, ông phải viện dẫn đến những ghi chép đã qua đó. Từ những cuốn sổ ghi chép tưởng như bỏ đi này, giúp ông có những bài viết “để đời” về những vấn đề xẩy ra đã hàng mấy chục năm. Ví như các bài viết về các vị lãnh tụ của Đảng, Chính phủ, quân đội, các văn nghệ sỹ, nhà khoa học nổi tiếng trong các lần về thăm, làm việc tại Hà Tĩnh. Tôi đã đọc được một số bài ông viết trên các báo Hà Tĩnh, Nhà báo & Công luận, Congluan.vn, Quân đội Nhân dân… như: “Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý – gốc ở bên này, cành lá ở bên kia” (viết về buổi trò chuyện cách đây 40 năm giữa NS Nguyễn Văn Tý với giới  văn nghệ sỹ Hà Tĩnh, tại TX Hà Tĩnh); hoặc “Tình yêu của Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh là vô bờ bến” (viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo 100 năm ngày sinh Bác Hồ ở TP Vinh, năm 1990)… Tất cả, theo ông nhờ lục lại những ghi chép, tốc ký trong các cuốn sổ tay thời đó. “Chứ trí nhớ con người sau mấy chục năm làm sao còn giữ lại được, nói gì đến yêu cầu phải trích dẫn đúng, chính xác từng câu, chữ của người trong cuộc.” Ông chia sẻ.

Là những người làm báo trẻ, thú thật, chúng tôi không chỉ khâm phục mà còn phải “học tập và làm theo” nhiều điều về phong cách làm báo của những người như ông, đi trước.

Vũ Thanh Đức

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015