Trao đổi nghiệp vụ --  02:45 Thứ hai, 12/08/2019

Nhà báo, Nhà khoa học với công tác truyền thông khoa học

Nhà báo - Truyền thông - Khoa học những cụm từ đó không còn xa lạ với độc giả, với giới chuyên môn, nhất là trong những năm gần đây khi mà xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó là những mối tương quan có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đến sự phát triển của đất nước, nhất là khi chúng ta đang hướng tới phát triển nền kinh tế tri thức vốn rất cần những thành tựu, những phát minh khoa học gắn với cuộc sống.


Nhà báo - Truyền thông - Khoa học những cụm từ đó không còn xa lạ với độc giả, với giới chuyên môn, nhất là trong những năm gần đây khi mà xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó là những mối tương quan có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đến sự phát triển của đất nước, nhất là khi chúng ta đang hướng tới phát triển nền kinh tế tri thức vốn rất cần những thành tựu, những phát minh khoa học gắn với cuộc sống.

Chủ thể của tri thức không ai khác là con người, là đội ngũ trí thức mà đại diện tiêu biểu là các nhà khoa học. Nhưng, khoa học đã thực sự đến với công chúng? Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thực sự đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, công chúng đã thực sự yêu mến, hiểu biết về những thành tựu của KH&CN chưa? Đó vẫn là những câu hỏi và cũng là sự trăn trở của những nhà báo, nhà khoa học và giới truyền thông trong cả nước.

Thực tiễn đã chứng minh rằng: Bất kỳ thành tựu khoa học nào, dù vĩ đại đến đâu nếu không đến được với cuộc sống thì giá trị của nó cũng chỉ bằng “Không”. Để khoa học thực sự đi vào đời sống, nếu chỉ là sự vận động của riêng các nhà khoa học thì chưa đủ mà còn phải là sự vào cuộc của các nhà báo và giới truyền thông. Khẳng định sức mạnh của truyền thông về KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chỉ rõ: “Thời gian qua, báo chí đã liên tục đưa tin về những thành tựu khoa học công nghệ, góp phần không nhỏ đưa cơ chế, chính sách KH&CN tới công chúng”. Mới đây, người đứng đầu ngành KH&CN tiếp tục khẳng định vai trò của lực lượng truyền thông trong phát triển KH&CN: “Truyền thông KH&CN đã được đưa vào chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và được đầu tư đáng kể”.

Thời gian qua báo chí khoa học đã giúp công chúng tiếp cận được với những kiến thức về các vấn đề của xã hội. Về mặt nhà nước, báo chí khoa học là “công cụ” kết nối có hiệu quả giữa nhà nước với nhân dân. Song, để một tác phẩm báo chí tiếp cận được độc giả đã khó; để tác phẩm báo chí khoa học được độc giả đón nhận lại càng khó hơn nhiều. Bởi, trong môi trường truyền thông hiện nay, với những nhà báo viết về khoa học, đó sẽ là thách thức không nhỏ. Vì nghiên cứu khoa học liên tục phát triển song hành cùng các thông tin mới, cách nhìn nhận mới về các sự vật, hiện tượng và sự vận động của tự nhiên, xã hội. Do đó khi viết về những vấn đề khoa học, yêu cầu các nhà báo phải luôn có tầm nhìn rộng, có sự cập nhật kịp thời, nghiên cứu kỹ các thông tin về khoa học và luôn đặt ra câu hỏi trước những gì mà các nhà khoa học, các chuyên gia công bố, đặc biệt đối với những nghiên cứu còn mới mẻ, đang được dư luận quan tâm,  tranh cãi. Ngoài ra, nhà báo khoa học cũng cần đơn giản hóa những thông tin phức tạp, cung cấp cho độc giả thấy ý nghĩa của sự phát triển khoa học đối với cuộc sống thường ngày.

Khoa học - một lĩnh vực thuộc về chuyên sâu, đặc thù thường gắn với những con số, những giải pháp, những phát hiện mới. Nó đòi hỏi nhà báo khoa học cũng cần được trang bị lượng kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức nền tảng ở nhiều lĩnh vực khoa học. Bởi, khi bài báo khoa học đến với độc giả để đủ sức thuyết phục, rất cần những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành. Việc xác định được chuyên gia nào là đáng tin cậy, có tiếng nói trong giới, đòi hỏi nhà báo khoa học phải có nhiều kinh nghiệm. Từ đó, nhà báo khoa học có thể giúp độc giả tìm được lời giải đáp đối với các luận điểm trái chiều. Vì vậy mà có những ý kiến cho rằng, nhà báo khoa học phải là chuyên gia của các chuyên gia. Như vậy, bên cạnh tính đặc trưng của một bài báo thông thường, với một bài báo khoa học cần có thêm những nét riêng biệt. Khoa học vốn được cho là những vấn đề khô khan. Nhưng độc giả lại là đại chúng, nhà báo cần phải giải thích cặn kẽ những thuật ngữ liên quan đến chuyên ngành, biến những điều trừu tượng trở nên dễ hiểu và đại chúng hóa… Và thay vì đi vào những vấn đề chung chung, nhà báo khoa học nên tập trung vào các vấn đề có tác động lớn hoặc các vấn đề đang gây tranh cãi, những gì công chúng muốn biết, có thể ứng dụng trong cuộc sống… Hiện nay, công chúng đều muốn biết những gì đang xảy ra, chứ không muốn đọc những thông tin đã cũ. Hơn nữa, họ không có nhiều thời gian, do đó tin tức càng cô đọng càng tốt, song phải bảo đảm tính chính xác. Mặt khác, những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân, cũng là một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm. Ví dụ, người Hà Tĩnh sẽ quan tâm đến tình hình cá chết ở vùng biển Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung hơn là chuyện cá chết ở Mỹ, Nhật Bản hay Brarin. Khi viết về môi trường, nhà báo luôn đứng giữa hai luồng quan điểm: Phát triển bền vững (bảo vệ môi trường) và phát triển kinh tế trong ngắn hạn, điều này luôn là thử thách với các nhà báo. Vậy, làm thế nào vừa bảo đảm khách quan, công bằng, vừa thể hiện được trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Và, chính các mạng lưới, diễn đàn khoa học đã tạo cho các nhà báo có mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia, từ đó có thể sử dụng ý kiến các chuyên gia trong các sự kiện, vấn đề khoa học.

Tóm lại, nhà báo khoa học cần cố gắng tìm ra sự thật và đưa tin về sự thật đó. Một yếu tố không thể thiếu nữa là nhà báo khoa học cần biết đâu là giá trị của thông tin, điều gì trong nội dung của bài báo được người đọc quan tâm, đó là những điều liên quan tới lợi ích thiết thân của công chúng; những vấn đề mới, gần gũi, bất ngờ, có yếu tố xung đột và hàm chứa giá trị nhân văn… Kinh nghiệm cho thấy, một bài báo khoa học tốt là những bài báo dễ hiểu, kịp thời và thú vị, chính xác và có bằng chứng, cân bằng được tất cả các yếu tố thì càng tốt, có cách giải thích khoa học, có nguồn tin đáng tin cậy, có giá trị tin tức và có liên quan đến độc giả.

Cùng với Giáo dục - Đào tạo, Khoa học và Công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu. Báo chí đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Trên mặt trận kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh - khoa học, báo chí cũng phải là một lực lượng xung kích. Lực lượng ấy có đủ mạnh hay không phụ thuộc vào những nhà báo chắc tay, những nhà báo giỏi. Một nhà báo khoa học muốn viết giỏi thì trước hết nhà báo đó phải có kiến thức về KH&CN. Mà muốn vậy phải có sự kết hợp giữa nhà báo và nhà khoa học, giữa truyền thông và khoa học

Thời gian qua, có thể nói, báo chí và truyền thông đã phần nào thực hiện tốt vai trò của mình, là cầu nối giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý với hoạt động KH&CN và công chúng. Báo chí trở thành diễn đàn tranh luận sôi nổi giữa các nhà khoa học, là cầu nối tương tác giữa người dân và nhà khoa học. Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, khi truyền thông về KH&CN, báo chí vẫn chưa lột tả hết được các hoạt động KH&CN… Điều dễ nhận thấy, do những đòi hỏi về lĩnh vực chuyên sâu, chúng ta hiện chưa có một đội ngũ báo chí có kiến thức sâu, có kỹ năng về KH&CN và cơ bản mới đơn thuần là những nhà báo phụ trách mảng khoa học. Một nguyên nhân nữa là, mối quan hệ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và giới báo chí vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nhanh nhạy. Điều này giải thích tại sao, thời gian qua việc cung cấp thông tin cho báo chí trong lĩnh vực này chưa thường xuyên, kịp thời…

Vấn đề đặt ra, cần thiết phải xây dựng một đội ngũ làm báo chuyên ngành, được trang bị đầy đủ kiến thức báo chí cũng như kiến thức chuyên sâu về KH&CN. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí nhưng cũng rất cần sự phối hợp với ngành KH&CN và các cơ quan liên quan.

Năm 2013 chúng ta đã có Tuần lễ truyền thông về KH&CN đầu tiên và năm 2014 cũng là năm đầu tiên chúng ta có Ngày KH&CN Việt Nam… Các sự kiện này không nằm ngoài mục đích truyền thông KH&CN đến với công chúng, kết nối lan tỏa và sâu đậm hơn mối quan hệ nhà báo - nhà khoa học, giữa truyền thông với khoa học.

NGUYỄN TRỌNG THẮNG
Phó Chủ tịch Hội sử học Hà Tĩnh

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015