Trao đổi nghiệp vụ --  01:17 Thứ hai, 19/07/2021

Trách nhiệm của người làm báo hôm nay


96 năm qua, báo chí cả nước, đội ngũ những người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng. Trong những ngày tháng 6 này, giới báo chí cả nước đang sôi nổi, hào hứng, học tập tư tưởng, đạo đức đức, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, thể hiện sự kính trọng, biết ơn lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc; đồng thời là người thầy đã xây dựng và khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ là vị lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là Người khơi nguồn và chỉ đạo báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Người rất coi trọng báo chí đối với sự nghiệp cách mạng. Với mục đích làm công cụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê Nin, giác ngộ những người yêu nước trong cuộc đấu tranh cách mạng để giành độc lập cho dân tộc, tự do của nhân dân.

Và cách đây 96 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ đạo và là Người biên tập chính ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Các tổ chức cách mạng ở trong nước dùng tờ báo này để tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng, làm cầu nối truyền ánh sáng tư tưởng cách mạng của Bác về cho dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Trong nhiều lời dạy của Bác Hồ đối với người làm báo, chúng ta thấm thía một trong những tâm huyết của Người về trách nhiệm của người làm báo cách mạng, Người căn dặn đội quân làm báo chí cầm bút viết một tin, một bài cần tự hỏi cho mình: 

Vì ai mình viết?

Mục đích viết làm gì?

- Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?

Về học cách xác định đúng đối tượng, mục đích viết, Bác căn dặn khi viết: Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta.

Trong một lần trò chuyện khác, Bác lại căn dặn: Bác nói: “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nêu cái hay, cái tốt, phải có chừng, có mực… Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn chứ không phải để cho địch lợi dụng để phản tuyên truyền”. 

Đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa, chúc mừng cán bộ, nhân viên Hội Nhà báo Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021). Ảnh: QUỐC TUẤN

Để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, báo chí phải “có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Để làm được việc này, Bác đã mạnh dạn nêu ra những khuyết điểm mà các nhà báo cần khắc phục:  về cách trình bày thì thấy: “Cách viết thường ba hoa dây cà dây muống, và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền…”. Viết chính trị thì khô khan. Bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành… Bác là người không ưa dùng chữ nước ngoài để nói hoặc viết, trong khi có thể dùng chữ nước mình.

Bác nhấn mạnh, viết báo không chỉ “viết cái tốt mà che cái xấu”, hay nói cách khác, báo chí vừa tham gia “xây” cái tốt, vừa phải “chống” cái xấu”, cái ác, để thúc đẩy xã hội tiến bộ. Phát hiện cái tốt nảy nở trong các bình diện của đời sống xã hội không phải là việc làm dễ dàng, không phải bất cứ nhà báo nào cũng có thể nhìn thấy, mà phải có đức tính kiên trì bám sát thực tiễn đời sống, tận tụy, yêu người, yêu nghề, thấm nhuần ý thức phát hiện cho được để cổ vũ, nhân rộng những điều tốt đẹp trong từng con người, từng tổ chức, từng địa phương, nhằm lấy “ánh sáng đẩy lùi bóng tối”. Người cho rằng: “Mỗi con người đều có thiện ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Muốn làm được điều đó, Bác khuyên các nhà báo phải đề cao nhiệm vụ phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới vì “học cái tốt thì rất khó”, do vậy cần phải lấy “xây” để “chống”, “xây” là nhiệm vụ bao trùm của báo chí cách mạng. Một trong những cách “xây” có hiệu quả nhất là báo chí coi trọng việc nêu gương, coi đó là “cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, góp phần quan trọng củng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Để tăng cường tính chiến đấu của báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi các nhà báo phải phê bình và tự phê bình nghiêm túc. Người nói: “phê bình và tự phê bình là thứ vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với báo chí cũng vậy, Người thường thân ái phê bình các báo mỗi khi có thiếu sót. Người yêu cầu các báo phải hết sức cẩn thận về nội dung, hình thức và về cách viết. 

Về lập trường chính trị, Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nhận xét rằng ưu điểm thì cũng còn nhiều, và một trong những khuyết điểm đó là “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”. Bác căn dặn: “…tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.

Trong suốt quá trình cách mạng của nhân dân ta, đi theo con đường Hồ Chí Minh đã vạch ra, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Ngày nay, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển nhanh chóng hiện nay, nghề báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Hiện nay đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện trách nhiệm đó, những người làm báo chúng ta càng phải nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn” hiện thực đời sống xã hội.

Nguyễn Văn Thanh

...................................

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Tạ Ngọc Tấn biên soạn, Cục xuất bản, Hà Nội, 1995.

2. Giáo sư Đặng Xuân Kỳ: Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh. NXb Lý luận chính trị, năm 2004.

3. Hồ Chí Minh, Những bài bút chiến, Nxb. Thanh niên, H.2006.  

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015