Chân dung nhà báo --  10:47 Chủ nhật, 20/10/2019

TRẦN VĂN HIỀN VÀ "DÁNG ĐỨNG DƯỚI TẦM BOM"

Nhà báo Trần Văn Hiền không chỉ tìm kiếm đồng nghiệp - nhà báo liệt sĩ, nơi họ đã đổ máu và hi sinh trên "thực địa" mà cả bằng cảm xúc dạt dào trỗi dậy từ con tim - bằng con chữ, trang viết - tay máy, tay bút, tay súng - thật sống động. Đã có những bút ký, ghi chép của đồng nghiệp về nhà báo Trần Văn Hiền, với chiếc ba lô nhẹ nhàng trên vai, đáp xe lửa ngược xuôi, đi xe đò - xe buýt đường trường vào Nam ra Bắc tìm kiếm thân nhân các nhà báo liệt sĩ.


Nhà báo Trần Văn Hiền không chỉ tìm kiếm đồng nghiệp - nhà báo liệt sĩ, nơi họ đã đổ máu và hi sinh trên "thực địa" mà cả bằng cảm xúc dạt dào trỗi dậy từ con tim - bằng con chữ, trang viết - tay máy, tay bút, tay súng - thật sống động. Đã có những bút ký, ghi chép của đồng nghiệp về nhà báo Trần Văn Hiền, với chiếc ba lô nhẹ nhàng trên vai, đáp xe lửa ngược xuôi, đi xe đò - xe buýt đường trường vào Nam ra Bắc tìm kiếm thân nhân các nhà báo liệt sĩ.

Đồng nghiệp Vũ Toàn cảm phục viết trên báo Tuổi Trẻ Tp. HCM, số Chủ nhật, 2.6.2013: “Một nhà báo nghỉ hưu đã lặn lộn từ Bắc vào Nam để viết chân dung nhà báo liệt sĩ. Viết rồi gom nhuận bút để đi tiếp và viết tiếp về đồng đội, đồng nghiệp và để In thành tập sách “Khoảnh khắc và mãi mãi”. Ông nói, in không phải để bán mà cốt để nhớ về những nhà báo đã hi sinh đẹp biết nhường nào trong lửa đạn chiến tranh. Ông chính là nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nghệ An…”

Trần Văn Hiền có ước mơ nho nhỏ, đến tận vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh, Nghệ An và khắp mọi miền, quê hương của các nhà báo liệt sĩ để thắp cho đồng nghiệp một nén nhang trầm, họ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trần Văn Hiền đến với những bà Mẹ, những người con yêu dấu của các nhà báo liệt sĩ “Một nắng hai sương” cấy cày - lao động mưu sinh. Nếu có thân nhân nhà báo liệt sĩ nào đó còn khó khăn, cần sự trợ giúp, Trần Văn Hiền cùng vào cuộc, góp phần cùng cộng đồng, nhà hảo tâm tìm giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Dáng đứng dưới tầm bom (Trần văn Hiền, Nhà XB Nghệ An, 2018) - cụm từ dùng làm tên sách chứa đựng bao điều về phẩm chất anh hùng - dũng khí - hiên ngang quyết không chịu cúi đầu của các nhà báo liệt sĩ. Đó cũng là đầu đề một bút ký về nhà báo liệt sĩ Nông Văn Tư - đạo diễn phim tư liệu - Điện ảnh quân đội, dũng mạnh “ngửng cao đầu mà … bắn” trong cuộc chiến đất đối không đánh tan các cuộc không kích đánh phá hậu phương miền Bắc của không quân Hoa Kỳ, thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. “Dáng đứng dưới tầm bom” chính là hình ảnh đẹp của liệt sĩ nhà báo Nông Văn Tư cùng phóng viên quay phim có mặt trên trận địa đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Tp. Vinh và cầu Bến Thủy hơn 40 năm trước.

Nhiều ghi chép sinh động về các anh hùng nhà báo liệt sĩ và cuộc sống hôm nay của các thân nhân nhà báo liệt sĩ còn không ít thiếu thốn, lam lũ đã được Trần Văn Hiền khắc họa trên từng trang viết. Có nhà báo liệt sĩ hy sinh mấy chục năm, chỉ vì những lý do khách quan về hồ sơ mà chưa được công nhận liệt sĩ, nhà báo Trần văn Hiền đã cất công - lặn lội chứng minh bằng được “Chính họ là liệt sĩ, cần được tôn vinh”. Xúc động biết bao, bên chiếc bàn làm việc hằng ngày của Trần Văn Hiền là bàn thờ Tổ quốc - trang trọng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và bàn thờ nhà báo liệt sĩ, mà Trần Văn Hiền thắp nhang cúi vái mỗi sáng thức dậy và mỗi chiều hôm, khi mặt trời khuất núi.

Mấy lâu nay, trên một số phương tiện truyền thông thường  nêu, trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, vì độc lập tự do của Tổ quốc có hơn 400 nhà báo liệt sĩ. Trong “Dáng đứng dưới tầm bom”, Trần Văn Hiền sưu tầm và tổng hợp công bố cả nước có 505 nhà báo liệt sĩ. Riêng cơ quan báo chí Thông tấn xã (cả Bắc và Nam) có 280 nhà báo liệt sĩ; Điện ảnh Quân đội có 38 nhà báo liệt sĩ; Đài Phát thanh Giải phóng có 25 nhà báo liệt sĩ; Báo Quân đội Nhân dân có 10 nhà báo liệt sĩ; Đài Tiếng nói Việt Nam có 5 nhà báo liệt sĩ; có 19 nữ nhà báo  anh dũng hi sinh tại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1964 - 1975).

Dáng đứng dưới tầm bom, với 200 trang in là một tập hợp bài viết sống động cuộc đời - sự nghiệp các nhà báo liệt sĩ - ngồn ngộn tư liệu quý - chân dung của những nhà báo liệt sĩ mà Trần Văn Hiền dày công tìm kiếm, sưu tập. Đó là các nhà báo liệt sĩ - từ những lãnh đạo cao cấp của Đảng như Lê Hồng Phong, người sáng lập báo Dân Chúng; Phan Đăng Lưu, người sáng lập và là chủ bút của nhiều tờ báo thời kỳ Xứ ủy Trung Kỳ; nhà báo - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên Nguyễn Tiềm. Đó là những nhà báo liệt sĩ nổi tiếng trong lòng đồng nghiệp như Trần Kim Xuyến, Lê Đoan, Lê Văn Luyện, Phạm Thị Ngọc Huệ, Nguyễn Kôn, Hồ Tương Phùng, Lê Viết Vượng, Bùi Văn Thưởng, Bùi Văn Phấn, Phạm Hồ, Nguyễn Khắc Thắng, Lê Văn Quế, Đăng Loan, Thanh Xuân, Vũ Hiến, Hồ Ca, Nguyễn Minh Tâm, Trần Văn Thông, Phan Văn Cam, Lê Viết Thế, Dương Phước An …

Một buổi sáng mùa Thu, hướng tới kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc kháng 2.9, Trần Văn Hiền theo quốc lộ 8, từ Tx. Hồng Lĩnh phóng xe lên huyện Hương Sơn, nơi có nhà báo liệt sĩ quê Hà Tĩnh là Trần Kim Xuyến, xã Sơn Mỹ và Phạm Hồ, xã Sơn Long. Trần Văn Hiền đến tận quê nhà, tìm gặp lại người thân của nhà báo liệt sĩ để cảm nhận sâu sắc cuộc đời của họ. Nhà báo Phạm Hồ nguyên là Thư ký tòa soạn, Bí thư chi bộ Báo Hà Tĩnh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phạm Hồ rời xa gia đình và tổ ấm Báo Hà Tĩnh vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường nhận công tác tại Báo Cờ Giải Phóng Trung Trung bộ. Và anh đã anh dũng hi sinh tại Trà My, tỉnh Quảng Nam, ngày 12.7.1969. Những trang viết của Trần Văn Hiền, thông qua lời kể của nhà báo Lê Xuân Thụ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh và cố nhà báo Nguyễn Văn Nhĩ, nguyên Tổng biên tập Báo ĐakLak về nhà báo liệt sĩ Phạm Hồ với nhiều tư liệu và cảm xúc dâng trào (Sách đã dẫn, trang 93 - 101).

Dáng đứng dưới tầm bom ghi đầy đủ tư liệu nhà báo liệt sĩ thuộc các cơ quan báo chí; nhà báo liệt sĩ chống Pháp, nhà báo liệt sĩ chống Mỹ; nhà báo hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc năm 1979; nhà báo liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Campuchia; tư liệu các nữ nhà báo liệt sĩ …

Rất đáng ghi nhận, Dáng đứng dưới tầm bom có cách nhìn mới, biện chứng, khẳng định sự hi sinh và mất mát to lớn của những liệt sĩ vô danh - tạm thời chưa xác định được tên tuổi, quê hương bản quán của liệt sĩ. Đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào tháng 7 năm 1993, khi đứng trước các tấm bia mộ liệt sĩ vô danh, quan niệm của Trần Văn Hiền minh định,rõ ràng:

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/ Anh có tên như bao khuôn mặt khác/ Mẹ sinh Anh tròn ngày tròn tháng/ Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa/ Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái/ Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa/ …Tổ quốc không mất tên Anh/ Chỉ lặng thầm nhận về mình/ nỗi đau xanh cùng năm tháng … Bài thơ với những ý thơ rất mới ngày ấy đã góp phần thay đổi lịch sử một tên gọi, góp phần xoa dịu nỗi đau của những thân nhân liệt sĩ có người thân đã vĩnh viễn nằm xuống trên các chiến trường.

* * *

Dáng đứng dưới tầm bom của nhà báo Trần Văn Hiền, với những viết bồi hồi xúc động, tưởng nhớ linh hồn các anh hùng liệt sĩ nói chung, các nhà báo liệt sĩ nói riêng. Độc lập - Tự do và Chủ nghĩa xã hội có được hôm nay trên giải đất hình chữ S - non sông liền một giải, được đổi bằng xương máu của hàng triệu đồng bào, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp. Máu các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống cho đất nước trường tồn, vượt qua mọi gian nan, thử thách; với mục tiêu và khát vọng lớn chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu; xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.                                

Phạm Quốc Toàn

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015