Đỗ Doãn Hoàng là cái tên quen thuộc trong làng báo chí Việt Nam. Anh đã có 25 năm cầm bút, tính từ truyện ngắn đầu tiên in năm 19 tuổi, trên tạp chí Tản Viên Sơn và 20 năm chính thức trở thành nhà báo.
Đỗ Doãn Hoàng là cái tên quen thuộc trong làng báo chí Việt Nam. Anh đã có 25 năm cầm bút, tính từ truyện ngắn đầu tiên in năm 19 tuổi, trên tạp chí Tản Viên Sơn và 20 năm chính thức trở thành nhà báo.
Nhà báo Đỗ Doàn Hoàng
Đỗ Doãn Hoàng từng là PV mảng văn hóa - văn nghệ, làm việc tại tại các báo, tạp chí: Tuổi Xanh, Thanh Niên, Công an nhân dân, An ninh thế giới và hiện giờ là PV mảng phóng sự - điều tra của báo Lao động.
Đỗ Doãn Hoàng không chỉ là người thành công, ghi danh trong làng báo với tư cách một nhà báo điều tra, anh còn tham gia giảng dạy tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, các lớp tập huấn của Trung tâm nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, của Hội nhà báo các tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng thời anh cũng đi đầu với nhiều thành công trong các dự án, các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, chống nạn phá rừng, săn bắt – buôn bán – sử dụng sản phẩm động vật hoang dã xuyên quốc gia, nói không với rác thải nhựa ở Việt Nam, Lào, châu Phi. Các bộ phim tài liệu nhựa và tài liệu phóng sự mà Đỗ Doãn Hoàng tham gia, sau khi phát sóng, đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước…
Năm nay, kỉ niệm 25 năm cầm bút, Đỗ Doãn Hoàng xuất bản cùng lúc 3 cuốn sách.
3 cuốn sách này đại diện cho 3 lối tư duy, cảm xúc, lao động sáng tạo của anh. Nhân dịp này, đơn vị liên kết xuất bản là Công ty Liên Việt sẽ tổ chức một buổi ra mắt mang tên "Đỗ Doãn Hoàng - Hành trình vạn dặm", tại Laca Cafe, 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Với 3 cuốn sách này, Đỗ Doãn Hoàng nâng con số những đầu sách đã in lên 27 cuốn, bao gồm phóng sự, ghi chép, bút kí, truyện ngắn, truyện dài, tạp văn…
Ở lần ra sách này, bạn đọc sẽ thấy một Đỗ Doãn Hoàng với “hành trình vạn dặm” từ xóm Búi Thông trên núi Ba Vì, từ làng cổ Đường Lâm, bước ra thế giới. Búi Thông thơ dại là một cuốn truyện dài, mang tinh thần tự truyện. Một câu chuyện thấm đẫm những kỉ niệm tha thiết và thẳm sâu, sống động và cuốn hút, giản dị và chân thực về tuổi thơ của anh, trên cái xóm núi nghèo mang tên Búi Thông, với mẹ, bà ngoại, hai em.
Câu chuyện giàu chất văn chương, nhiều đoạn nhiều câu đạt tới sự tròn trĩnh đầy mĩ cảm. Và trên hết là tình cảm của anh dành cho những người thân trong gia đình, đặc biệt là bà ngoại và mẹ. Đỗ Doãn Hoàng nói, mẹ anh thường không thể đọc được liên tục quá 2 trang, vì bà phải dừng lại để… khóc. Một cuốn sách đẹp về lòng nhân ái, về giá trị của tình thương yêu bất tận với vùng đất đã nâng đỡ đùm bọc quấn túm những tháng năm nghèo khó.
Cuốn thứ hai, Trong tận cùng hang ổ. Đây là cuốn sách đại diện cho một mảng tư duy, lao động nghề nghiệp mà Hoàng tâm huyết nhất trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Cuốn sách này tập hợp những bài, những vệt bài điều tra in dài kì trên các báo đã từng gây chấn động dư luận. Có những vụ việc Hoàng và đồng nghiệp phải thực hiện kéo dài hàng 5-7 năm, hàng chục năm thì mới kết thúc.
Điều đáng nói, là trong cuốn sách này, ngoài những bài, vệt bài kể trên, còn có những phản hồi tích cực từ phía các cơ quan chức năng, kẻ phạm tội phải ra hầu tòa, một số điều luật được sửa đổi cho phù hợp với thực tế đời sống, lãnh đạo các Bộ, Chính phủ... có ý kiến chỉ đạo sau khi bài, loạt bài được in. Những phản hồi, hiệu ứng tích cực này cho thấy ít nhiều, báo chí, các nhà báo có thể đóng góp, tác động thực sự vào việc thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực.
Ngoảnh nhìn lại cuộc đời làm báo của mình, có lúc Đỗ Doãn Hoàng tự nhận mình là Donkihote. Không phải lúc nào việc đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, cái trong bóng tối cũng thành công, cũng mang lại những hiệu quả tích cực cho cộng đồng, xã hội; Không phải lúc nào một nhà báo cũng ở trên đỉnh cao hưng phấn, say mê, tự tin. Cũng có lúc thất bại, có những mất mát, tổn thương, tai nạn, cũng có lúc mệt mỏi… Nhưng không vì thế mà Đỗ Doãn Hoàng từ bỏ lựa chọn khó khăn bậc nhất trong nghề mà anh đã theo đuổi suốt nhiều năm. Tập sách này dù mới chỉ thể hiện được phần nào “diện mạo” của nghề báo điều tra, nhưng là phần diện mạo Đỗ Doãn Hoàng dành nhiều tâm sức nhất, lao tâm khổ tứ nhất, cũng có lẽ là mang lại hạnh phúc nghề nghiệp lớn nhất đối với anh.
Cuốn thứ ba, Ở lại với ngàn sao, một cuốn du kí, ghi lại những cảm xúc mạnh mẽ và run rẩy của Hoàng khi đặt chân tới nhiều vùng đất trên khắp thế giới: châu Á, châu Phi, châu Âu… Đỗ Doãn Hoàng là người ham đi, mê đi, mải miết đi, những chuyến đi luôn mang lại nguồn năng lượng bất tận cho anh. "Ở lại với ngàn sao" cho thấy một Đỗ Doãn Hoàng mơ mộng, lãng mạn, tận hưởng cuộc sống bằng cách nhìn ngắm, cảm nhận, giao tiếp và đặt những bước chân sâu sắc vào trong nó.
Đi, thật xa và thật cao và nhìn lại nơi mình vừa rời khỏi, Đỗ Doãn Hoàng luôn có một cách so sánh hết sức khách quan và nhân ái. Đấy là một đặc điểm trong tư duy, cảm xúc của Hoàng. Dù là nhìn lên, ngang bằng, hay nhìn xuống, anh đều có một tâm thế công bằng, độ lượng và thuyết phục. Càng đi càng cháy bỏng ước muốn đi tiếp, càng khám phá càng ham muốn khám phá nhiều hơn, tới những vùng địa lý đặc biệt của địa cầu.
Và có lẽ là, việc liên tục đặt chân vào những cuộc hành trình đầy mộng mơ chính là cái cách mà Đỗ Doãn Hoàng tự cân bằng lại cảm xúc, cảm hứng, rũ bớt những áp lực từ công việc làm báo điều tra.
Buổi giới thiệu ra mắt sách Đỗ Doãn Hoàng sẽ được tổ chức vào 14g ngày 6-5-2019 tại Laca Cafe, 24 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội, với sự tham gia dẫn chương trình của MC Thảo Vân. Nhiều nhân vật đặc biệt trong các phóng sự từng gây chấn động của Đỗ Doãn Hoàng cũng có mặt và các nhà báo đồng nghiệp./.
Theo Pháp luật & Xã hội