Trao đổi nghiệp vụ --  09:48 Thứ ba, 02/07/2024

Đồng chí Trần Phú – Người cộng sản kiên trung, bất khuất


Đồng chí Trần Phú, người cộng sản kiên trung, bất khuất, mẫu mực, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Phú đã để lại cho Đảng ta, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương ngời sáng về trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh của người cộng sản, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, con ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi cha lúc mới 4 tuổi, mồ côi mẹ năm 6 tuổi, lớn lên Trần Phú đã tự lập vượt khó vươn lên trong học tập và luôn giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, cách mạng.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024).  

Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Tại đây, ngay từ đầu anh đã nổi tiếng là giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết đồng nghiệp và luôn khơi dậy trong lớp trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng căm thù giặc sâu sắc. Từ một thầy giáo, một thanh niên nhiệt huyết, giàu lòng yêu nước, sớm nuôi ý chí cứu nước, Trần Phú đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, xả thân cho sự nghiệp cách mạng, chiến đấu vì mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, vì lý tưởng cao cả. Bằng tài năng trí tuệ, sự học hỏi nghiên cứu lý luận, thực tiễn cách mạng, nhất là kiến thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn cho Đảng về lý luận và thực tiễn. Đồng chí đã nêu tấm gương sáng về lòng trung thành, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú luôn nhiệt huyết hăng say, không ngưng nghỉ. Anh làm việc thận trọng, nghiêm túc, khoa học, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Trong sách “Kể chuyện về Trần Phú” đã ghi lại những năm tháng Anh hoạt động ở Sài Gòn: “Trên con đường Bôna rộng thênh thang giữa thành phố Sài Gòn đô hội, vào một ngày cuối năm 1930, ba người bộ hành ung dung đi trên vỉa hè. Đi trước là một cậu thanh niên chừng 16, 17 tuổi dáng người thấp bé, nhưng tuấn tú, hoạt bát. Tiếp sau là một thanh niên có nước da ngăm đen, bộ mặt hiền lành với đôi mắt rất mơ mộng. Sau cùng là một người mảnh khảnh, gầy yếu đeo kính râm mặc bộ âu phục trắng đã cũ, đầu đội mũ phớt, tay xách chiếc va ly bằng giấy cứng. Đó là Lý Tự Trọng, Ngô Gia Tự và Trần Phú. Ngô Gia Tự lúc bấy giờ là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng là phiên dịch kiêm liên lạc viên của Thường vụ Trung ương là người cộng tác rất đắc lực và thân thiết của đồng chí Trần Phú…”

Ở Sài Gòn trong nhà của một người đồng chí, thường ngày Trần Phú luôn dậy sớm và đúng giờ, lau bàn quét bụi, dọn dẹp nhà cửa. Giờ làm việc anh ngồi ở bàn giấy cặm cụi viết. Sách vở anh để một chỗ kín đáo trong nhà; khi cần xem anh vào tận chỗ xem xong lại cất vào chỗ cũ. Trên bàn làm việc anh chỉ để một xếp giấy trắng và bút mực, người lạ vào cũng không thấy gì đáng nghi cả. Hằng ngày anh làm việc đúng giờ và đúng chương trình đã định. Buổi tối ăn xong, anh đọc báo và đúng 10 giờ đêm là nhất định đi ngủ. Anh ăn uống hết sức tiết kiệm, không bằng mức sống bình thường của anh em lao động. Còn nhớ khi Luận cương chính trị và Điều lệ Đảng được đem in, hôm đó Trần Phú nói với người đồng chí của mình: “Chúng ta lúc này đã rèn được vũ khí, chúng ta phải cảm ơn cây búa của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã giúp chúng ta trong việc này. Tôi mắc bệnh (quả thật thời điểm đó anh rất mệt, người gầy, má lõm, ban đêm thường ho sù sụ từng hồi dài, nhưng anh vẫn làm việc, lạc quan) có lẽ cũng gắng sống được vài năm, nhưng trong những ngày còn sống thì cho đến phút cuối cùng, tôi quyết hiến thân cho đất nước và chủ nghĩa cộng sản”.

Quần thể Khu Di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.  Ảnh: HÀ DIỆP ANH

Luận cương chính trị đang đi vào quần chúng. Công tác phát triển Đảng, tổ chức xây dựng cơ sở Đảng được đẩy mạnh trong cả nước. Để bảo đảm cho Đảng được trong sạch về tư tưởng, chính trị, tổ chức, Đảng tiếp tục đấu tranh không để những kẻ cơ hội chính trị nằm trong tổ chức của mình. Công việc đang triển khai bề bộn thì ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt ở Sài Gòn. Tại bốt Catina, những tên mật thám mặt người dạ thú, những kẻ khát máu không còn nhân tính đã dùng mọi cực hình tra tấn. Chúng cắt gan bàn chân của Anh rồi nhét bông vào tẩm xăng đốt. Hàng trăm lần tra tấn Anh vẫn không nói nửa lời. Tên trùm mật thám Sài Gòn hồi đó đã ra những ngón đòn độc, hòng tìm ở Anh một sự yếu đuối. Nhưng Anh đã nêu cao chí khí đấu tranh, bình tĩnh và kiên cường làm cho kẻ thù phải kinh sợ và khâm phục. Đó là sức mạnh niềm tin ở lý tưởng cộng sản không gì lay chuyển; là trọng trách và sứ mệnh của người lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng cao cả của Tổ quốc và Nhân dân(1).

Bị tra tấn dã man, sức khỏe giảm sút, bệnh cũ tái phát, đồng chí Trần Phú đã vĩnh biệt đồng chí, đồng bào thân thương. Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931 tại Nhà thương Chợ Quán Sài Gòn, Anh căn dặn “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Tin đồng chí Trần Phú hy sinh đã nhanh chóng lan rộng từ Sài Gòn đến khắp nơi trong cả nước và trên thế giới, làm cho nhiều người thương tiếc vô hạn. Ở khám lớn Sài Gòn đã có bài thơ tiễn biệt Anh:

 “Trần Phú anh ơi đã thác rồi

Thác mà như thế đẹp gương soi

Bao phen sóng gió đâu sờn dạ

Mấy trận đòn tra chẳng hở môi

Giọt máu anh hùng dù tơi tả

Trái tim vô sản vẫn không rơi

Tuy Anh đã thác gương còn sáng

Thác được như Anh sáng suốt đời”(2)

Một người với phẩm chất kiên cường, khí tiết sáng ngời ngã xuống, hàng triệu người đã tiếp bước đứng lên. Khí phách anh hùng của đồng chí Trần Phú đã cổ vũ cho các phong trào đấu tranh cách mạng. Ở Hà Tĩnh và Nghệ An lúc bấy giờ dù đang bị kẻ thù “khủng bố trắng” nhưng đã biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu. Trong vòng vây cấm đoán, khủng bố ráo riết của quân thù, ở những nơi có chi bộ Đảng đều tiến hành dâng hương mặc niệm đồng chí Trần Phú.

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là tấm gương sáng ngời về phẩm chất, khí tiết của người cộng sản, để lại bài học lớn cho các thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay trong việc tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất cách mạng.

Phan Trung Thành

...............................................

 (1). Theo Trần Phú - Tổng Bí thư của Đảng, một tấm gương bất diệt. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 4/2004, trang 417 - 419. (2). Theo Danh nhân Hà Tĩnh, tập 1. NXB Đại học Vinh. 1998, trang 219 - 226.

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015