Chân dung nhà báo --  01:47 Thứ hai, 19/07/2021

Hành trình tìm về nguồn cuội yêu thương và chuyến khởi hành của người nghệ sĩ qua "Lối về" của Duy Thảo


Trong bối cảnh của thời đại bùng nổ thông tin, sự phát triển văn hóa đọc trên không gian mạng, chưa bàn chuyện tác phẩm hay dở thế nào, đầu tiên, người ta thường quan tâm đến nhan đề của tác phẩm. Nếu không “hot”, thì chí ít cũng phải có một tín hiệu để vẫy gọi, mời mọc, “bắt sóng” kịp với “gu” thẩm mĩ của bộ phận lớn công chúng, độc giả.

Nếu xem xét tiêu chí ấy, người đọc sẽ khó tìm thấy trong các tác phẩm của nhà thơ Duy Thảo. Bởi vì tác giả đặt tên cho các tập thơ của mình một cách dung dị như: Lời tin yêu (in chung - Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh 1976); Lối xanh (Nhà xuất bản Văn hoá 1991); Sau mùa lá rụng (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin 1997); Bến mặn (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin 2000); Mưa ngâu (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin 2002); Lộc vừng (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin 2004); Góc chiều (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004); Nỗi xưa (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2008); Đi dọc lối xanh (Nhà xuất bản Hội nhà văn 2008); Mưa giao mùa (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2014); 80 bài thơ Duy Thảo (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2018); với các bài thơ nổi tiếng như: “Mừng chiến thắng trời quê”, “Đôi vai mẹ”, “Tìm về dáng mẹ”,...

Và hôm nay, người đọc lại được thưởng thức tập thơ thứ 11 “Lối về”của nhà thơ Duy Thảo (Nhà xuất bản Văn học, năm 2020) - một tên gọi cũng dung dị và gần gũi như bao lần đặt tên khác. Vậy, điều gì đã đem đến cho người đọc một sự hấp dẫn, hứng thú tập thơ “Lối về”và những sáng tác của Duy Thảo?

Thoạt nhiên, ấn tượng ban đầu cảm xúc bao trùm lên tập thơ là chuyện làng quê, chuyện gia đình, như lời tự bạch của chính tác giả trong câu kết của thi phẩm “Tâm sự mùa xuân”: Xin dâng viếng mẹ, dành lời tặng em!

Nhưng bước vào thế giới của “Lối về”, người đọc còn tìm thấy những điều mới mẻ, độc đáo thú vị về những phát hiện về con người và cuộc đời với những cảm xúc, suy ngẫm gần gũi thân quen mà thấm đẫm tính triết lí, mang giá trị phổ quát, chứa đựng tư tưởng nhân sinh sâu sắc.

“Lối về” của Duy Thảo không chỉ dừng lại hành trình tìm về nguồn cội gắn liền với nỗi niềm riêng tư mà còn là hành trình tìm về và khởi hành của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

1. Hành trình tìm về bến đỗ của một cá nhân với nhiều cảm xúc và suy ngẫm

Bao trùm lên tập thơ là những hình ảnh thân quen, gần gũi, được lặp đi lặp lại nhiều lần và đã trở thành biểu tượng nghệ thuật như: làng cũ, vườn cũ, chợ, dáng mẹ, đôi đòn gánh, những âm thanh quen thuộc,...

Hình ảnh “làng” trong tập thơ được xuất hiện nhiều lần, góp phần mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Theo dòng kí ức của tác giả, người đọc cảm nhận làng quê với những tháng năm thiếu thốn, đói nghèo nhưng lại giàu nghĩa tình: “Làng năm ấy, người gầy hơn thóc lép” (Đôi vai mẹ), “Tìm về năm giáp hạt/ đồng làng trụi lá khoai” (Tìm về), “Qua đồng làng cang hạn tháng 5” (Đôi vai mẹ); “Cái làng của thủơ bình yên/ Ai đi, ai nhớ, ai quên lối về” (Lối về làng xưa). Hình ảnh “làng” còn đánh thức dậy trong thi nhân và những con người vì những cảnh ngộ riêng mà buộc phải rời xa làng: “Bao nhiêu kí ức LỐI VỀ/ Khi qua vườn cũ làng quê không nhà”... (Tâm sự mùa xuân), những kí ức, nỗi niềm riêng tư đã được cất lên thành những câu thơ mang tâm sự thầm kín: “Về quê tìm lại làng xưa/ Làng đây, mà đứng ngẩn ngơ với mình” (Lối về làng xưa).

Trong tập thơ, Duy Thảo nhiều lần sử dụng hình ảnh “vườn cũ” gắn liền với sự phong phú, đa dạng trong không gian, thời gian: “Khi qua vườn cũ làng quê không nhà” (Tâm sự mùa xuân), “Mảnh vườn của những ngày xưa” (Vườn xưa); “Mảnh vườn nơi đau đáu, đêm đêm thường tìm về” (Tìm về), “Vườn khuya cú rúc sương đông” (Nỗi xưa), “Thời gian khuất lấp xa xôi nẻo vườn” (Tìm về dáng mẹ), “Quả vườn dẫn lối/ lạc bước chân anh”(Quả là thế), “Lao xao theo tiếng chích chòe vườn sau...” (Lời em), “Tôi về, lối cũ vườn xưa” (Chiều tím), “Vườn xanh nhãn chuối Vĩnh Tường/ Nhịp cầu Đa Phúc, con đường Kim Anh” (Quê em).

Rồi hình ảnh của “chợ”: “Chợ xa nặng thúng hàng rong” (Tâm sự mùa xuân), “Sáng đi chợ Trổ, mai thợ chợ Nhe” (Với mẹ - ngọn nguồn), “Mẹ lần hồi chạy chợ/ Mỗi Tết về nợ níu áo, theo chân” (Rau răm ở lại), “Những ngày chạy chợ mòn đường đôi vai” (Ngọn nến), “Chợ đông thúng nặng đội lên đầu” (Gặp lại Tết xưa), “Bao năm một thân xoay xở/ Chợ xa xuôi ngược mòn đường” (Cá trích), “Khi đường xa mẹ chạy chợ ngược xuôi” (Xin mẹ),... rồi hình ảnh của chiếc đòn gánh. Hiện lên trong bài thơ là hình ảnh chiếc đòn gánh trên đôi vai mẹ. Sự biến hóa của ngôn ngữ hình ảnh và cảm thức của thi nhân là ở chỗ: có khi xuất hiện trong bài thơ đảm nhận chức năng là danh từ: “Để suốt đời chiếc đòn gánh trên vai”, “Tiếng đòn gánh lại kẽo cà kẽo kẹt” (Đôi vai mẹ) “Trên vai đòn gánh ngược xuôi” (Với mẹ - ngọn nguồn), có khi là động từ: “Chỉ trông vào mẹ, đôi vai gánh gồng” (Tâm sự mùa xuân), “Gánh đi vào là chợ Tổng, chợ Nhe/ Gánh lên núi là chợ Đàng, chợ Nướt/ Gánh sang sông là chợ Choi mạn ngược/ Gánh xuôi đê là chợ Trổ, chợ Cầu” (Đôi vai mẹ). Đặc biệt, cùng trong một thi phẩm nhưng khả năng chuyển nghĩa của từ lại tự nhiên và đắc địa vô cùng: “Tan chợ về mẹ nặng gánh lo âu” (Đôi vai mẹ); “Một đôi vai mẹ tảo tần/ Gánh bao cay cực, âm thầm ngày đêm” (Viếng tổ tiên). Chợ là không gian tảo tần, bước thấp, bước cao của người mẹ buôn bán, mưu sinh cho gia đình mà còn nơi giúp mẹ tìm kiếm, chắt chiu đồng tiền để trang trải nợ nần. Câu thơ “Mẹ lần hồi chạy chợ/ Mỗi Tết về nợ níu áo, theo chân” (Rau răm ở lại) sao lay thức ta quá đỗi! Cảnh nghèo khó cứ hiện lên trước mắt ta cả một thời cơ cực. Bật dậy một vần thơ hay là lời cật vấn lương tâm của người con đã vỡ òa trước sự hi sinh lớn lao của mẹ!

Trong “Lối về”, người đọc còn được cảm nhận rõ nét những dạng thức của âm thanh gắn liền với cuộc sống thường nhật và cảm xúc chân thật của con người, khi thì dạt dào tình tứ: “Ven hồ từng đôi lứa/ Tiếng cười nói vô tư” (Chuyện bên hồ Than Thở); khi thì đầm ấm, hòa hợp: “Chuyện vui giòn giã tiếng cười/ Đêm vui đánh thức vòm trời dậy sao” (Quê em); “Ban mai mượn tiếng chích chòe ghẹo em” (Lối về làng xưa), khi hạnh phúc tràn đầy: “Con chạy ùa ra mẹ đã về!/ Nón cài tay xách gọn tay xe/ Âm thanh đâu chỉ dành cho trẻ/ Đi suốt đời anh vẫn ngóng nghe” (Tiếng con), “Bữa cơm đoàn tụ đông con cháu/ Chuyện vui sản sẻ ấm ngôi nhà” (Đón em về). Có những âm thanh gợi nhắc cho chúng ta về kí ức của miền quê, gắn liền với truyền thống: “Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng nôn nao muốn về” (Vườn xưa), “Tiếng chào chân chất ấm lòng nhau” (Gặp lại Tết xưa). Nhưng cũng có thứ âm thanh ám ảnh, lay thức và đọng lại trong tâm trí người đọc là âm thanh của tiếng con ác, vạc, tiếng cú, tiếng cuốc, ve sầu kêu: “thoi kêu, con ác kêu” (Tìm về), “Những đêm tiếng vạc kêu sương” (Ngọn nến) “Vườn khuya cú rúc sương đông” (Nỗi xưa), “Sương giăng, tiếng vạc kêu đêm não nùng” (Lối về làng xưa), “Tiếng cuốc kêu khản cạn ao bèo..../Trời bỗng sáng tiếng ve sầu ra rả” (Đêm nghe tiếng cuốc - Thơ viết cho con),... Những âm thanh ấy vừa gợi nhắc cho ta không gian của những miền quê xao xác với những năm tháng đói nghèo, cay cực. Âm thanh cũng gợi nhắc cho ta về những tháng năm vất vả, tần tảo, cơ hàn của mẹ “Tiếng đòn gánh lại kẽo cà kẽo kẹt” (Đôi vai mẹ). Và cả những lo toan thao thức, trắng đêm của người mẹ. Có những âm thanh nhà thơ không phải chỉ cảm nhận bằng thính giác, mà còn được cảm nhận bằng cả trái tim và sự chiêm nghiệm sâu sắc. Nó yên ả trong câu chữ của trang thư mẹ gửi và được dội lại từ năm tháng ngày xưa. Nó theo ta từ thủơ non nớt, vô tư, hồn nhiên cho đến lúc khôn lớn. Để từ đó như nhắc nhở, răn dạy ta sống sao cho xứng đáng với công lao của mẹ:

“Nhà bom dội, hai lần lều dựng tạm

Thư cho con vẫn kể chuyện bình yên

Chị con chết, mẹ giấu chưa báo vội

Chỉ mong con “chân cứng đá mềm”

(Xin mẹ)

Bên cạnh những hình ảnh, từ ngữ với tần số xuất hiện nhiều như: làng cũ, vườn xưa, đôi đòn gánh, những âm thanh gần gũi,... thì trong tập thơ, tác giả đã sử dụng nhiều lần từ “về”. Với tổng số 54 bài thơ, trong đó Phần “Kính dâng Mẹ” có 19 bài; Phần “Dành tặng em” có 32 bài và Phần “Phụ lục” có 03 bài thì đã có tới 38 lần tác giả sử dụng từ “về”. Chỉ riêng trong bài thơ “Lối về làng xưa”, tác giả nhắc tới 6 lần; bài thơ “Tìm về cội nguồn” sử dụng 6 lần. Những tín hiệu nghệ thuật đó là một chỉ dẫn giúp người đọc cảm nhận dụng ý nghệ thuật của thi nhân. Trong thế giới đó, hiện tại và quá khứ có khi tách rời có khi đan xen, đồng hiện để soi chiếu vào nhau, góp phần tạo dựng dạng thức thời gian đa chiều trong tập thơ.

Hành trình tìm về cội nguồn là dịp Duy Thảo cho người đọc cảm nhận được hình ảnh một người mẹ tảo tần, vất vả, cực nhọc, cả cuộc đời âm thầm, lặng lẽ lo lắng, chăm sóc và hi sinh cho gia đình. Qua hành trình ấy, Duy Thảo đã làm sống dậy trong lòng người đọc tình mẫu tử thiêng liêng và thi nhân đã bất tử hóa được tình cảm cao đẹp này. Hành trình tìm về cội nguồn qua “Lối về”, người đọc còn cảm nhận được nghĩa tình son sắt, thủy chung của nhà thơ và người vợ suốt cuộc đời gắn bó tình nghĩa tào khang. Đó là hành trình con người được tìm về cội nguồn yêu thương - bến đỗ bình yên trong đời sống tâm hồn con người. Đặc biệt, điều đó càng có ý nghĩa trong cuộc sống ồn ào với những va đập như hiện nay.

“Lối về” còn là những khoảnh khắc thi nhân tự vấn, tự nhắc bản thân và điều quan trọng giá trị hành trình của “Lối về” còn là sự tiếp nối, chuyển giao giữa thế hệ trước và sau để biết trân trọng nâng niu quá khứ, biết sống có ý nghĩa cho cuộc đời hôm nay và mai sau. Chính vì vậy, trong những bài thơ, Duy Thảo luôn day dứt, trăn trở và mong muốn những điều tốt đẹp cho thế hệ mai sau:

“Từ ngày ra bám phố/ chen đi với dòng đời/ chút gia tài góp nhặt/ Thấy mình đang đánh rơi” (Tìm về). “Mùa xuân này, tôi ngoài tuổi bảy mươi/ Lòng đau đáu về làng quê, họ tộc/ Nơi tuổi thơ từ áo nâu quần cộc/ Cho cháu con biết xa chốn hư danh” (Cội nguồn), “Tấm bia mộ nơi quê từng cháo cám/ Khắc làm sao được công mẹ sinh thời...” (Đôi vai mẹ), “Nhắc con cháu dù nhà cao cửa rộng/ Biết cội nguồn điểm xuất phát từ đâu” (Đôi vai mẹ), “Bảy mươi rũ bụi phong trần/ Chúc mình được tiếng thảo dân với đời! (Cõi về).

2. Lối về - hành trình tìm về và những chuyến khởi hành của người nghệ sĩ

Đến với “Lối về”, người đọc sẽ nhận ra những thông điệp về sáng tạo nghệ thuật mà nhà thơ Duy Thảo đã “gói” nhiều tầng lớp là ngôn từ. Những từ ngữ, hình ảnh mang tính biểu tượng được hình thành từ những va đập của hiện thực cuộc sống và miền thẩm mĩ. Để từ những đề tài, tư liệu từ đời sống hiện thực, Duy Thảo đã có những suy cảm, phát hiện sâu sắc về đời sống. Từ chất liệu hiện thực là “biển, gió, sóng, kiếp đời,... thi nhân đã tạo ra trường liên tưởng:

“Ta gặp cả những kiếp đời tội nghiệp/ Người cua gãy càng, người cá cụt đuôi/ Người rùa lệch vai, người tôm lưng gập/ Kiếp phù du, kiếp sứa dạt trôi”(Giấc mơ con sóng); hay sự lí giải nguồn cảm hứng đã thôi thúc thi nhân bộc lộ và giãi bày khi đối tượng trữ tình là một nhân vật “em” được chợt đến từ một cảm xúc mới lạ: “Rét ngọt giục về thăm lối cũ/ Quãng đường đau đáu trắng hằng đêm/ Cây xưa tán mở chồi xuân mới/ Ngọt xớt lời em đến lả mềm” (Lời em).

Đặc biệt những cảm xúc và suy ngẫm được trải nghiệm và lắng lọc qua những lời thơ tự trào, tự nhắc và tự răn của một người nghệ sĩ. Qua những dòng thơ, người đọc sẽ cảm nhận một nghệ sĩ Duy Thảo với khí chất ngạo nghệ, khinh bạc giá trị vật chất tầm thường, vui với nghề và nghiệp mình lựa chọn:

“Ừ rồi đợi đó mà xem

Bao nhiêu cực nhọc, tất nhiên biết rồi.

Thế gian còn chán vạn người

Phải chi sách ước mà ngồi để mơ

Anh thì lang bạt vì thơ

Miệt mài vì báo, thẫn thờ vì em....

Ừ rồi, đợi đó mà xem

Anh như thế đó, chẳng thêm bớt mà

Bã giàu kệ xác người ta,

Chất nghèo, xin được nhận ra phần mình

Nghiệp văn nợ kiếp chúng sinh

Nghiệp thơ đeo đuổi đức tin luân hồi”.

(Anh như thế đó)

Vì vậy, trong những câu thơ của Duy Thảo luôn chứa đựng tính triết lí như được rút ra từ những câu chuyện ngụ ngôn về Người và Nghề:

“Đã gọi rằng “mang cái nghiệp vào thân”

Điều sướng khổ khoan cho mình là nhất

Cái được mất từ tu nhân tích đức

Chớ vội vàng, hãy đợi đó mà xem!”

(Trước xuân này)

Nhà văn Nga Sê-Khốp đã từng nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”. Chính vì thế mà với Duy Thảo dù cuộc sống có thể bần bạc, thiếu thốn “đồng chinh nhẵn túi” nhưng khi gặp những mảnh đời khó khăn thì trái tim người nghệ sĩ lại luôn thường trực tấm lòng trắc ẩn. Duy Thảo đã nói hộ cho nỗi lòng, tâm trạng và những ứng xử rất “thơ” của những con người với thiên chức cao cả:

“Lắm khi đồng chinh nhẵn túi

lại khi đầy ắp thơ tình

bạn bè mải đêm về muộn

lục tiền cho trẻ ăn xin”

          (Thôi em)

Khi dự cảm giá trị nhân sinh vững bền có lúc tưởng chừng bật gốc, Duy Thảo đã trụ lại niềm tin cho con người bằng dây néo của tình riêng. Tình riêng đó, chính là một lối về mà đã bao năm giúp nhà thơ thủy chung với lý tưởng của mình đã chọn:

“Tôi tìm về cội nguồn tôi

Nghề thơ, nghiệp báo một đời đa mang

Giữ cho tay khỏi nhúng chàm

Mặc ai danh lợi hư hàm mặc ai”

(Tìm về cội nguồn)

Đọc “Lối về”, người đọc còn tìm thấy sự hòa quyện giữa chất thơ và chất kí trong những tác phẩm của Duy Thảo. Những sự kiện của lịch sử trong “Quê em”, “Lạc giữa tên hoa”, “Gọi vợ”, “Đêm nghe tiếng cuốc - Thơ viết cho con”, “Đêm hội pháo hoa này”, và nhiều thi phẩm khác... Phải chăng sự song hành giữa công việc viết báo và làm thơ đã mang đến cho thơ Duy Thảo một nét độc đáo riêng không trộn lẫn với tác giả nào. Nếu vậy, người đọc sẽ cảm nhận được xác thực của những thông tin, sự kiện trong tác phẩm trữ tình.

Hãy đọc tập thơ bằng cảm xúc chân thành và suy ngẫm sâu sắc! Lúc đó, bạn không chỉ yêu thơ Duy Thảo bởi những giá trị nội dung sâu sắc mà còn cảm nhận một lối viết không cầu kì, đẽo gọt, trau chuốt. Thơ Duy Thảo là tiếng nói giản dị, chân thành, là nghệ thuật được kết tinh từ “ngữ pháp của tiếng lòng”.

Điều đó sẽ mang đến cho người đọc một nơi tìm về đầy giá trị cao đẹp. Giữa những bề bộn, ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thường nhật thì “Lối về” của Duy Thảo sẽ đưa con người tìm về nguồn cội của yêu thương và khởi hành trong ta tình yêu với nghệ thuật.

Đậu Quang Hồng

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015