Trao đổi nghiệp vụ --  07:32 Thứ hai, 01/08/2022

Một nét đặc sắc của pơhong cách ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh


Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn là một nhà báo lớn. Người đã cống hiến cho báo chí cách mạng Việt Nam hàng nghìn bài báo có giá trị. Trong phạm vi một bài nghiên cứu nhỏ, chúng tôi không thể nói hết về sự nghiệp báo chí của Hồ Chí Minh mà chỉ muốn đi vào vấn đề: Một vài đặc điểm chính của ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh qua đó mỗi nhà báo có thể rút ra được những bài học bổ ích về cách sử dụng ngôn ngữ của Bác Hồ trên báo chí.      

Đọc lại các bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là: Hồ Chí Minh là người hiểu rõ hơn ai hết giá trị và khả năng tiềm tàng của tiếng nói dân tộc, tiếng nói của quần chúng, do đó, Người đã khai thác và sử dụng vốn ngôn ngữ của quần chúng một cách triệt để.

Trước hết có thể nói trong các bài báo của mình, các hình thức ngôn ngữ có tính chất dân gian như: thành ngữ, tục ngữ, ca dao... được Hồ Chí Minh sử dụng một cách tối đa, có hiệu quả lớn đối với người đọc.

Như chúng ta đã biết, thành ngữ, tục ngữ là cách nói ngắn gọn, chứa đựng những nội dung súc tích, kết tinh trí tuệ của quần chúng từ bao đời nay. Chúng đã được Hồ Chí Minh sử dụng một cách sinh động, sáng tạo, khéo léo, phù hợp với nội dung bài báo và hoàn cảnh mà bài báo đề cập đến. Cách dùng của Người rất đa dạng. Có khi Người giữ nguyên thành ngữ, tục ngữ, dùng phù hợp với từng đối tượng, từng vấn đề, tạo được những ngữ cảnh thích hợp. Chẳng hạn, trên báo Nhân dân ngày 15/12/1961, Người viết: “Bọn Ngô Đình Diệm chẳng những rước voi giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà mà còn dựa vào đế quốc Mỹ để càn quét, khủng bố, chặt đầu, mổ bụng, moi gan đồng bào ta ở miền Nam, trẻ nó không tha, già nó không từ”. Câu văn trên đã tố cáo bộ mặt bán nước của bè lũ Ngô Đình Diệm. Các thành ngữ “rước voi giày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà” được đặt ra trong hoàn cảnh câu nói làm cho chúng vừa diễn đạt được cách nói của dân gian, vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa bóng, vừa tỏ rõ thái độ của tác giả: lên án, tố cáo bộ mặt thật của bè lũ Ngô Đình Diệm với lòng căm thù, khinh bỉ, mỉa mai cao độ. Cách dùng này được Người sử dụng nhiều như: “Đế quốc Mỹ chết thì chết mà nết không chừa. Bọn chúng như chó dại cắn càn, vừa ăn cướp vừa la làng” (Báo Nhân dân ngày 12/04/1964), hoặc như trên báo Nhân dân ngày 05/03/1965, Người viết: “Chữ ký chưa ráo mực thì đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ”.

Trong nhiều bài báo, các thành ngữ, tục ngữ đã được Người dùng nguyên vẹn, ta gặp rất nhiều như: Vơ đũa cả nắm, lửa thử vàng gian nan thử sức, giả câm giả điếc, vỏ quýt dày có móng tay nhọn...

Có khi Người không dùng nguyên vẹn thành ngữ, tục ngữ mà lược bỏ một vế nào đó, chỉ giữ lại vế nào liên quan trực tiếp đến nội dung bài báo của mình. Như trên báo Nhân dân ngày 01/04/1964, Người viết: “Ở nước Mỹ có chuyện lạ kỳ: kẻ giàu thì rất giàu, người nghèo thì rất nghèo. Thật là kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Cần chú ý rằng trong bản gốc của ca dao ta thì có hai câu:

Trời sao trời ở bất cân

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.

Ở bài báo trên, Người đã bỏ câu lục, chỉ giữ lại câu bát, làm cho nghĩa câu bát gắn cụ thể hơn với trường hợp mình đang diễn đạt.

Ngoài việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ, trong nhiều bài báo, thỉnh thoảng Người lại chen ca dao vào tạo nên sắc thái mới cho sự diễn đạt. Chẳng hạn, ca dao xưa có câu:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Khi đem vào bài báo của mình, Người đã lồng được vào hai câu ca dao ấy một nội dung mới có tính chất cách mạng như trong bức thư gửi binh lính ngụy quyền ngày 15/01/1951, Người khuyên lính ngụy hãy quay về với dân tộc:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng.

Xin được lấy thêm ví dụ khác. Ca dao ta có câu:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Hai câu ca dao đó nói lên sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhưng dù sao con số “Ba” cũng chỉ có tính chất ước lệ, ám chỉ số nhiều. Đến khi đưa vào bài báo kêu gọi nông dân tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp, Hồ Chí Minh đã thay chữ “Ba” thành chữ “Nhiều” để càng nhấn mạnh thêm sức mạnh của việc vào hợp tác xã, đồng tâm hiệp lực tăng năng suất trong nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới:

Một cây làm chẳng nên non

Nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao.

Như vậy, Người đã sử dụng ca dao vào bài báo của mình một cách sáng tạo.

Một đặc điểm đáng chú ý nữa là trong các bài báo, Hồ Chí Minh hay sử dụng việc lẩy Kiều (còn gọi là tập Kiều), lấy cách diễn đạt trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du để diễn đạt ý mình. Người đưa câu Kiều vào bài báo của mình nhưng thêm vào đó nội dung mới, quan điểm mới. Chẳng hạn như trong lời tạm biệt đồng bào Việt Nam trước khi đi thăm các nước Ấn Độ, Miến Điện, Người đã viết hai câu Kiều:

Tiễn đưa thì nhớ hôm nay

Mừng về thì nhớ ngày này tuần sau.

Nguyên văn hai câu Kiều là:

(Chén đưa nhớ buổi hôm nay

Chén mừng xin đợi bữa này hôm sau).

Hoặc trong bài diễn văn đón tiếp Tổng thống nước Ghi-nê là Xê-cu-tu-rê, sau khi nhắc lại kỷ niệm hồi tuổi trẻ đã gặp nhau, Người viết hai câu có dáng dấp “Truyện Kiều”:

Đến bây giờ mới thấy đây

Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên.

Nguyên văn hai câu Kiều là:

(Đến bây giờ mới thấy đây

Mà lòng đã chắc những ngày một hai).

Việc sử dụng tập Kiều của Người là rất linh hoạt, có cải biên sáng tạo cho phù hợp với nội dung cách mạng mà bài báo đang đề cập. Rõ ràng ít khi Người sử dụng nguyên văn câu thơ “Truyện Kiều” mà cải biến nó. Một ví dụ khác. “Truyện Kiều” có câu:

Thương nhau xin nhớ lời nhau

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.

Người đã cải biến hai câu trên trong bài vận động quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh cứu nước:

Yêu nhau xin nhớ lời nhau

Việt Minh hội ấy mau mau tìm vào.

Rõ ràng hai câu thơ sau tuy có dáng dấp câu Kiều nhưng nội dung đã được đổi mới, được cách mạng hóa. Có những câu Kiều được Người cải biến theo yêu cầu riêng của từng bài. Chẳng hạn tại kỳ họp Quốc hội khóa II, Người đã phân tích tình hình khó khăn trong những ngày đầu khi Quốc hội mới thành lập 15 năm trước, Người so sánh với tình hình tươi sáng lúc khóa II đang họp. Người viết: “So sánh bản đồ thế giới ngày nay với 15 năm trước thì ta cũng thấy rõ ràng:

Phe địch xuống dốc, phe ta lên cao

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Câu “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” vốn là của “Truyện Kiều”, nhưng ở đây, Người đã vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể để diễn đạt niềm phấn khởi của Người, của các vị đại biểu Quốc hội, của nhân dân trước sự trưởng thành nhanh chóng của phe ta, phe cách mạng. Đồng thời, chữ “tình” cũng được Người lồng vào một nội dung mới: “Tình” ở đây không phải là tình yêu nam nữ như trong “Truyện Kiều” mà là tình cảm cách mạng, là niềm phấn khởi, tự hào trước sự phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Có khi Người không trình bày câu Kiều thành một dòng riêng mà xen lẫn kết hợp trong bài báo của mình một cách tự nhiên, thoải mái, không gây cảm giác đột ngột cho người đọc, người nghe. Chẳng hạn: “Năm 1946, tôi về thăm đồng bào, cách ít tháng sau thì bắt đầu kháng chiến. Từ lần gặp ấy đến lần gặp này thấm thoắt đã mười lăm năm. Trong “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Rõ ràng Người đã sử dụng rất linh hoạt cơ động, sáng tạo cách lấy Kiều vào bài báo của mình để nhằm phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân.

Một nét đặc biệt nữa trong các bài báo của mình, Hồ Chí Minh hay dùng lối ví von so sánh. Ta đã biết quần chúng nhân dân có thói quen hay dùng cách nói cụ thể, dùng lối ví von so sánh. Hồ Chí Minh đã dựa vào thói quen này để đưa vào bài viết của mình. Chẳng hạn trên báo Nhân dân ngày 15/12/1957, khi vạch trần bộ mặt của tên bán nước Ngô Đình Diệm, Người đã viết: “Ngô Đình Diệm đang điên cuồng như chó dại cắn càn”. Việc so sánh này làm cho sự việc được trình bày một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu.

Ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh còn là ngôn ngữ được sử dụng phù hợp với từng đối tượng cụ thể (công nhân, nông dân, trí thức, công giáo…). Người viết thư cho tầng lớp nào thì Người dùng cách nói phù hợp với tầng lớp đó, làm cho họ thấy gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với mình. Chẳng hạn khi viết thư gửi đồng bào theo đạo Phật, Người đã dùng những chữ họ vốn hay dùng, làm cho họ trở về với những điều họ đã biết, lấy những điều đã biết để hiểu cái mới mà Người muốn nói:

“Đời sống của nhân dân ta dần dần được cải thiện, cũng như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm… Cuối cùng tôi xin chúc các vị luôn mạnh khỏe, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”.

Cũng cần nói thêm: Về mặt ngữ pháp mà xét thì câu văn của Bác thường ngắn, thường là một hai dòng, nhiều lắm là ba bốn dòng. Bác đã từng nói rõ quan điểm của mình như sau: “Nhiều người tưởng mình viết gì, nói gì người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc thì quần chúng hiểu sao được”. Ta có thể dẫn ra rất nhiều câu ngắn của Người, ví dụ: “Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên”.

Nhiều khi Người đặt nhiều thành phần cùng chức năng ngữ pháp song song với nhau làm cho cách trình bày vừa sáng rõ, vừa tinh tế, vừa chính xác, vừa có tính chất nhấn mạnh. Chẳng hạn như khi Người nói về cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan”, hoặc “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”.

Trên đây, chúng tôi đã nêu ra những đặc điểm chính trong ngôn ngữ báo chí của Bác Hồ. Có thể nói trong khi viết báo, Bác luôn luôn có ý thức dùng cách nói của quần chúng nhân dân. Đó là một trong những nét đặc sắc trong phong cách ngôn ngữ báo chí của Người, đó cũng là những ưu điểm lớn mà mỗi nhà báo chúng ta cần học tập ở Bác.

Đoàn Mạnh Tiến

Giảng viên khoa Văn, Đại học Vinh

 

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015