Chân dung nhà báo --  08:17 Thứ năm, 01/09/2022

Những ký ức khó phai về nhà báo Đinh Nho Liêm


Mới đó đã một thập kỷ kể từ ngày nhà báo Đinh Nho Liêm gửi hồn về cùng mây trắng. Mỗi lần ra thắp nén hương trên mộ ông, bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc về vị Tổng Biên tập đáng kính lại ùa về trong ký ức. Tôi thực sự cảm phục ông - một đảng viên cộng sản mẫu mực, luôn trau dồi đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Ông Đinh Nho Liêm sinh ngày 14/7/1935 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (nay là xã Tân Mỹ Hà). Năm 22 tuổi, ông làm giáo viên dạy Văn cấp 2 phổ thông. Năm 1960, ông vinh dự được kết nạp Đảng, sau đó được đề bạt làm hiệu trưởng của một trường học.

Tháng 9/1962, Báo Hà Tĩnh thành lập, ông được đồng chí Võ Trọng Cúc - Tổng Biên tập ngỏ lời với ngành giáo dục đưa về làm báo Đảng. Ông được tòa soạn gửi đi đào tạo cấp tốc khóa ngắn ngày tại Trường Tuyên huấn Trung ương và trở thành phóng viên. Với trái tim tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, ông như chiếc đèn cù xoay tít theo nhịp tháng ngày công việc tòa soạn phân công.

Nhà báo Đinh Nho Liêm (hàng đầu, thứ 3 từ bên phải sang) cùng các cán bộ, phóng viên Báo Nghệ Tĩnh những năm 1980. Ảnh tư liệu

Tôi đã từng được nghe ông Liêm kể về một thời làm báo đầy gian khổ, khốc liệt. Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ đưa máy bay ra ném bom đánh phá miền Bắc. Thành phố Vinh (Nghệ An) và Bến Thủy bị giặc Mỹ tàn phá đầu tiên. Tòa soạn Báo Hà Tĩnh phải sơ tán về xã Thạch Lưu (nay là xã Lưu Vĩnh Sơn), huyện Thạch Hà nên phóng viên và cán bộ đành ở trọ trong nhà dân.

Với khí thế hừng hực “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhà báo Đinh Nho Liêm đã không ngại hiểm nguy, ở đâu có bộ đội và dân quân bắn máy bay rơi, ở đấy ông đều có mặt để đưa tin chiến thắng. Từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, “tọa độ lửa” nào cũng có dấu chân ông và đồng nghiệp. Cực nhất là giữa trời tháng 5 gió lào bỏng rát, ông một mình với chiếc “xe đạp Liên Xô” trên hành trình cả trăm cây số để đưa tin, viết bài kịp thời. Bên ngọn đèn ống nứa leo lét, ông viết bài “Tiếng gọi trả thù” mà nước mắt chảy xuống trang giấy, khi máy bay giặc Mỹ tàn sát 33 em học sinh Trường Cấp 2 Hương Phúc (Hương Khê). Bài viết ấy, chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa ngay lên sóng, với giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai đã khiến hàng triệu Nhân dân cả nước nghẹn ngào.

Với sự xông xáo, đam mê nghề nghiệp lại là người mẫu mực về nhân cách, nhà báo Đinh Nho Liêm đã được Tổng Biên tập Trần Văn Trạc bồi dưỡng thành “lãnh đạo nguồn” của báo. Năm 35 tuổi, ông được tập thể tín nhiệm, được Tỉnh ủy đề bạt giữ chức Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh.

Báo Nghệ Tĩnh xuất bản số đầu vào ngày 1/1/1976.

Năm 1976, Báo Hà Tĩnh sáp nhập với Báo Nghệ An thành Báo Nghệ Tĩnh. Ông Đinh Nho Liêm và ông Nguyễn Hường giữ chức Phó Tổng Biên tập.

Thời điểm đó, đời sống Nhân dân và cán bộ vẫn còn nhiều khó khăn. Hoàn cảnh ông Liêm lại vất vả hơn nhiều anh em khác trong cơ quan khi cả gia đình tá túc trong ngôi nhà ngói xập xệ 2 gian của tòa soạn ở thôn Phong Toàn, xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng, TP Vinh). Biết hoàn cảnh ông gieo neo nên nhiều đồng nghiệp đã chia sẻ cùng, khi thì mua giúp con lợn giống giá rẻ, khi thì mua giúp dăm lượng thịt bằng tem phiếu. Trước tình cảm của đồng nghiệp, ông Đinh Nho Liêm lại càng gắng sức để vừa làm tốt thiên chức “trụ cột” trong gia đình, vừa làm tốt nhiệm vụ của người quản lý cơ quan.

Ông Đinh Nho Liêm sống giản dị và rất khiêm tốn, luôn thượng tôn pháp luật, lấy “phép công là trọng”. Thời kỳ làm Tổng Biên tập Báo Nghệ Tĩnh, ông thường xuyên rèn luyện đạo đức cho phóng viên trong tòa soạn. Tôi nhớ có 2 phóng viên bị cơ quan thi hành kỷ luật và chuyển đổi công tác vì hành vi thiếu trung thực v.à sách nhiễu cơ sở trong quá trình tác nghiệp. Đặc biệt, ông tập trung chỉ đạo nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong phê bình và tự phê bình. Các đảng viên trong tháng, nếu có vi phạm khuyết điểm đều được đưa ra kiểm điểm nghiêm túc, tập thể góp ý rất thẳng thắn, chỉ rõ những sai phạm. Vừa chăm lo xây dựng Đảng, vừa chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn, ông Liêm xác định “Muốn công đoàn là mái nhà chung, phải thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống cho anh em trong đơn vị”.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các thế hệ cán bộ, phóng viên nhân kỷ niệm 35 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu (9/1997). Ảnh tư liệu

Vào những năm 1987-1990, trong bối cảnh Nghệ Tĩnh thiếu lương thực nghiêm trọng, ông Liêm đã bàn bạc với cán bộ công đoàn cơ quan tổ chức làm dịch vụ in lưới và cử anh Nguyễn Ngọc Cương vốn là thợ kỹ thuật giỏi vào Sài Gòn mua máy, rồi đứng ra thành lập một nhóm khoảng 5 người làm. Họa sĩ Minh Thông ngoài việc trang trí mặt báo hằng ngày, đêm về còn tranh thủ thiết kế cho in lưới. Mặt khác, cử anh Lê Huy Lạp - Chánh Văn phòng năng động vào tận Sài Gòn để mua gạo cho anh em. Từ tiền lãi, dịch vụ hằng tháng được cơ quan chia đều cho mọi người và số gạo ở Sài Gòn được vận chuyển về kịp thời, các phóng viên và cán bộ đã yên tâm hơn trong công tác.

Tháng 5/1987, hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng, ông đã đề nghị lãnh đạo tỉnh và Bộ VHTT cho xuất bản tờ Nghệ Tĩnh cuối tuần. Đây là tờ báo gây dấu ấn nhất trong lịch sử Báo Nghệ Tĩnh, thu hút bạn đọc bằng những nguồn tin nóng và những bài phóng sự điều tra công phu khi viết về các vụ việc tiêu cực điển hình thời kỳ ấy.

Báo Hà Tĩnh năm đầu tiên tách tỉnh. Ảnh tư liệu

Tháng 9/1991, theo chủ trương của Trung ương, tỉnh Nghệ Tĩnh được tách lại thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Quay về bến cũ với bao khó khăn chồng chất không kém gì buổi nhập tỉnh, thế nhưng, Tổng Biên tập Đinh Nho Liêm vẫn vững vàng chèo lái đưa tờ báo vượt qua những tháng ngày gian khó với những bài báo, bài thơ chứa chan tình người sâu lắng. Có thể kể đến bài thơ “Mai em về Hà Tĩnh” với những câu từ tha thiết: “Mai em về Hà Tĩnh/ Anh ở lại Nghệ An/ Dòng sông La - sông Lam/ Rung giây đàn - một nhịp” đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, sau đó thu thanh và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thu hút nhiều khán thính giả.

Còn nhiều chuyện về người Tổng Biên tập đáng kính này mà tôi không thể nào kể hết, bởi ông là người luôn “mình vì mọi người”. Bao nhiêu thế hệ được ông bồi dưỡng kèm cặp đã trở thành Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh sau đó như: Nguyễn Quốc Khanh, Lê Hữu Quý. 2 phóng viên trẻ được ông tuyển dụng năm xưa là Nghiêm Sỹ Đống và Phan Tấn Linh giờ là Bí thư Huyện ủy Can Lộc và Nghi Xuân.

Trên hành trình 6 thập kỷ phát triển của Báo Hà Tĩnh, chắc hẳn trong đồng nghiệp và những người bạn thân tình của ông hiện vẫn luôn hoài niệm về một vị tổng biên tập có nhân cách lớn.

Phan Thế Cải

Theo baohatinh.vn

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015