Trao đổi nghiệp vụ --  08:44 Thứ tư, 28/07/2021

Phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền về xây dựng Đảng


Trong suốt 91 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh và uy tín của Đảng. Với vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp của Đảng và dân tộc; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; là diễn đàn để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Đóng góp xứng đáng

Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương 68, địa phương 74, 112 báo có phiên bản điện tử); 612 tạp chí (Trung ương 520, địa phương 92, 98 tạp chí có phiên bản điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Báo chí nước ta phát triển nhanh, mạnh, toàn diện: Tăng loại hình; tăng số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, ấn phẩm, chương trình; tăng chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí, nhất là ở nước ngoài; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật báo chí… Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về lượng, vai trò, đóng góp và ảnh hưởng xã hội của báo chí đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước cũng tăng lên, đặc biệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đem lại hiệu quả cao, cần phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân, trong đó báo chí có vai trò rất quan trọng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) khẳng định: Báo chí là một trong ba bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong hoạt động tư tưởng của Ðảng. Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”.

Những năm gần đây, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương luôn coi trọng việc tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ khâu tổ chức, đến xác định nội dung tuyên truyền, phương thức thể hiện, theo dõi hiệu quả tác động của báo chí. Bám sát chức năng xã hội và nhiệm vụ chính trị của báo chí, với những góc nhìn khác nhau, các tác phẩm báo chí thường xuyên tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mặc dù đây là một lĩnh vực khó, không chỉ ở nội dung mà cả hình thức chuyển tải.

Trên tất cả các loại hình báo chí luôn có nhiều loạt bài có chất lượng về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Báo chí còn đề cập một số vấn đề có tính thời sự như: Về đổi mới công tác đánh giá cán bộ; vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; cách lựa chọn người có đức, có tài; những mô hình mới thực hiện thí điểm cần tổng kết để áp dụng trên diện rộng...

Nhiều tác phẩm viết về chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, giới thiệu những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” có sức hấp dẫn bạn đọc và khán, thính giả, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Các tác phẩm báo chí còn đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặc biệt, 5 năm gần đây, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng). Qua 5 năm triển khai, Giải đã khẳng định là một trong những giải báo chí lớn, uy tín, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội. Từ khi có Giải Búa liềm vàng, nội dung, đề tài, cách thể hiện được các phóng viên đầu tư sâu hơn, bài viết sinh động, gần gũi và hấp dẫn hơn. Sức lan tỏa của Giải 5 năm qua đã góp phần làm sống động và hấp dẫn đề tài vốn được cho là “khó, khô và khổ” này.

Những hạn chế

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 23-KL/TW ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư đều khẳng định, việc phát huy vai trò của báo chí, của các cơ quan truyền thông trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và còn bất cập, hạn chế.

Tính lý luận, thực tiễn, chiến đấu là những đòi hỏi hàng đầu đối với các tác phẩm báo chí viết về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, các tác phẩm báo chí phản ánh chưa sinh động, sát thực tiễn, tính định hướng chính trị mờ nhạt. Số phóng viên có kinh nghiệm viết về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn ít; đội ngũ những người tâm huyết, đi sâu nghiên cứu, sáng tác các tác phẩm có chất lượng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng không nhiều. Chính vì vậy, các bài viết đấu tranh phản bác các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn ít và chưa thuyết phục.

Phương thức tuyên truyền về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng chậm được đổi mới, hình thức thể hiện chưa thực sự đa dạng, phong phú; chưa kịp thời khai thác những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật trong tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Khi mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều với quan điểm, đường lối của Đảng, các cơ quan báo chí chưa có nhiều bài viết định hướng dư luận một cách thuyết phục…

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền về xây dựng Đảng. Nhiều người làm báo chưa thực sự tâm huyết viết về Đảng và công tác xây dựng Đảng, coi đây là lĩnh vực “khó, khô, khổ” nên ngại tham gia. Vẫn còn bộ phận bạn đọc chưa chú ý đến thông tin chính trị, trong đó có thông tin về xây dựng Đảng…

Đổi mới để đáp ứng tốt hơn

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với báo chí. Tiếp tục đổi mới quan điểm, phương thức lãnh đạo sát hợp với đặc thù của báo chí và tình hình thực tiễn phong phú của báo chí nước ta. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với báo chí. Tiếp tục đầu tư xây dựng một số đơn vị báo chí chủ lực, giữ vai trò định hướng dư luận xã hội, đủ năng lực vươn ra thế giới…

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản trong định hướng cho báo chí thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng. Đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, phóng viên, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Đấu tranh chống tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ những người làm báo.

Ba là, đổi mới phương thức tuyên truyền, bám sát thực tiễn đời sống; chú ý lựa chọn, phản ánh những vấn đề “nóng”, then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tích cực tuyên truyền những mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình; đồng thời phản ánh những mặt hạn chế, yếu kém để rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh. Ban biên tập các cơ quan báo chí cần gợi mở đề tài, cách tiếp cận cho các phóng viên để họ có nhiều tác phẩm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền về xây dựng Đảng.

Bốn là, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về xây dựng Đảng. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ viết về xây dựng Đảng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, giúp họ trang bị thêm kỹ năng nghiệp vụ để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng, sinh động, hấp dẫn về đề tài xây dựng Đảng.

ThS. LÊ THỊ THÙY LINH
Khoa Công tác đảng - công tác chính trị - Học viện Kỹ thuật Quân sự

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015