Trao đổi nghiệp vụ --  08:13 Thứ sáu, 08/09/2023

Báo chí Truyền thống và những thách thức trong kỷ nguyên số


Bước vào “kỷ nguyên số”, sự khác biệt về phương thức tổ chức, quy trình xuất bản và hình thức thể hiện trong hoạt động báo chí, truyền thông dường như vượt ra khỏi mọi dự báo và đặt đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí truyền thống. Nếu không đổi mới để bắt nhịp xu thế, báo chí sẽ trượt khỏi quỹ đạo truyền thông số và dần đánh mất vai trò, vị thế.

Cuộc “chuyển mình” theo xu hướng hiện đại

Từ thực tiễn và những thách thức nêu trên, những năm gần đây, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã có sự vào cuộc khá mạnh mẽ. Nhiều mô hình tòa soạn, phương thức chuyển tải mới với những sản phẩm báo chí công nghệ, báo chí sáng tạo, báo chí giải pháp… đã ra đời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu, thị hiếu tiếp cận thông tin của công chúng, bạn đọc. Đi đầu trong cuộc “cách mạng” này phải kể đến những cơ quan báo chí như: VnExpress, VietnamPlus, Nhân Dân, Zing News, Dân trí...

Tòa soạn hội tụ Báo Hà Tĩnh

Trong hệ thống báo Đảng địa phương, Báo Hà Tĩnh được đánh giá là cơ quan báo chí có sự “khởi động”, bắt nhịp khá sớm theo xu thế báo chí hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng. Từ năm 2018, Báo Hà Tĩnh đã xây dựng và áp dụng quy trình xuất bản theo mô hình Tòa soạn hội tụ nhằm tối ưu hóa quy trình, tận dụng tối đa nhân lực và trí tuệ tập thể; linh hoạt, chủ động trong việc tác nghiệp, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Biên tập xây dựng kế hoạch, mời các giảng viên, chuyên gia trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; tổ chức cho đội ngũ cốt cán đi học tập kinh nghiệm, mở mang kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại tại các tờ báo lớn như: Báo điện tử VnExpress, VietnamPlus, Zing News, Tuổi Trẻ...

Nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh đạt Giải báo chí Quốc gia năm 2022 chụp ảnh lưu niệm với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

Trên các ấn phẩm, Báo Hà Tĩnh tập trung đổi mới cách trình bày báo in; nâng cấp hệ thống, bổ sung các tính năng, tiện ích, đổi mới giao diện báo điện tử. Về hình thức thể hiện tác phẩm, Tòa soạn chú trọng tích hợp các tiện ích, dạng thức nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đọc – xem – nghe của công chúng, bạn đọc, nhất là trên các nền tảng, thiết bị công nghệ mới. Theo đó, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Báo Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới, gia tăng các sản phẩm đa phương tiện như: E.magazine, Longform, Infographics, truyền hình, livestream, “báo nói” điện tử... Mặt khác, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương, của tỉnh và các sự kiện, vấn đề  thời sự, Tòa soạn đều xây dựng kế hoạch xuất bản hàng tháng, hàng tuần và cụ thể hóa bằng những “thực đơn” hàng ngày, phân phối xuất bản sản phẩm theo từng khung giờ nhằm tối ưu hóa nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của từng nhóm độ tuổi, đối tượng bạn đọc...

Nhờ sự quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ, Báo Hà Tĩnh bắt nhịp khá tốt với xu hướng báo chí hiện đại, có sức lan tỏa rộng lớn. Nhiều năm gần đây, Báo Hà Tĩnh luôn duy trì vị trí tốp đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng toàn quốc. Về truyền thông mạng xã hội, Báo Hà Tĩnh hiện có 1 trang Fanpage được xem như là một ấn phẩm chính thống của Tòa soạn với gần 460.000 người theo dõi (tính đến ngày 09/8/2023). Ngoài ra, Báo Hà Tĩnh còn thiết lập và quản trị nhiều trang Fanpage “vệ tinh” và các kênh trên mạng xã hội YouTube, Zalo, Tiktok follow, tương tác khá cao... Đây thực sự là những “cánh tay nối dài” để Tòa soạn chuyển tải, lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi và đa dạng đến với người đọc, người xem.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Mặc dù đã tạo được những dấu ấn nhất định, song phải thẳng thắn nhìn nhận, sự vào cuộc và kết quả đạt được trong chuyển đổi số báo chí nói chung, nhất là hệ thống báo Đảng, báo địa phương nói riêng hiện nay nhìn chung còn rời rạc, chưa rõ nét và thiếu định hướng chiến lược. Thậm chí, nhiều Tòa soạn vẫn đang áp dụng quy trình xuất bản cách đây nhiều năm, chưa chú trọng phát triển báo điện tử và các nền tảng truyền thông mới. Tại Báo Hà Tĩnh, những kết quả nêu trên cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Chặng đường phía trước để hướng tới mục tiêu đa phương tiện, chuyển đổi số tại Tòa soạn vẫn còn rất nhiều gian nan, thách thức. 

Ban Biên tập và cán bộ phóng viên Báo Hà Tĩnh tham quan, học tập kinh nghiệm tại Báo điện tử VietnamPlus và Trung tâm kỹ thuật Thông tấn (thuộc TTXVN).

Chuyển đổi số trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi, thay đổi về tư duy, nhận thức của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo, tiếp đến các bộ phận, vị trí chuyên môn. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên vấn đề nhận thức, quyết tâm về chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản trị, quy trình xuất bản; ứng dụng công nghệ số, khai thác kinh tế số… tại hầu hết các cơ quan báo chí, nhất là báo tỉnh còn nhiều hạn chế. 

Cũng liên quan đến yếu tố con người, nhưng ở một khía cạnh khác, đó là nguồn nhân lực. Đối với hầu hết các cơ quan báo chí truyền thống, việc thiếu những vị trí nhân sự được đào tạo chuyên sâu về công nghệ và đội ngũ kỹ thuật, phóng viên, biên tập viên có kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm đa phương tiện đang là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”… Trong khi đó, việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ nhân sự này không hề dễ do thiếu định biên, cơ chế, nguồn lực...

Một thách thức căn bản khác dễ nhận thấy, đó là đường hướng, chiến lược chuyển đổi số đang khá “mông lung” đối với hầu hết các cơ quan báo chí. Vẫn biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng bắt đầu từ con người, công nghệ hay nội dung? Làm thế nào để giải bài toán kinh phí, nhân lực công nghệ thông tin khi các cơ quan chí phải cạnh tranh khốc liệt với truyền thông xã hội cả về nội dung thông tin lẫn nguồn thu để thực hiện lộ trình tự chủ, tinh giản biên chế?... Đó là những câu hỏi lớn mà đại đa số các cơ quan báo chí đang thật sự lúng túng, loay hoay chưa tìm ra câu trả lời.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu: đến năm 2030 có 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số... 

Các sản phẩm đa phương tiện góp phần nâng tầm sản phẩm của Báo Hà Tĩnh.

Rõ ràng, chuyển đổi số báo chí giờ đây không còn là vấn đề “tự thân”, tự phát, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, cấp thiết đối với mỗi tòa soạn. Đó là bài toán mà trước hết, mỗi cơ quan báo chí phải chủ động, quyết tâm tìm lời giải để tồn tại, phát triển và khẳng định vai trò, vị thế.

Nguyễn Công Thành

Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015