Trao đổi nghiệp vụ --  08:07 Thứ hai, 08/07/2024

Nghề báo và những câu chuyện truyền cảm hứng


Hành trình tác nghiệp của những người làm báo luôn chứa đầy những nỗi vất vả, gian nan. Với những người làm báo, khi nói về nghề của mình, có lẽ từ được chọn nhiều nhất vẫn là “áp lực”. Thế nhưng, trong hành trình nhiều thử thách, khó khăn ấy, có những câu chuyện khắc sâu, truyền cảm hứng mạnh mẽ để chúng tôi yêu và tự hào với nghề mình chọn.

Lãnh đạo, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài PT&TH Hà Tĩnh thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp. Ảnh: P.V

Năm 2012, năm thứ hai sau khi ra trường, tôi về làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh. Tôi còn nhớ, hồi ấy tôi được giao phụ trách các chuyên mục: “Nước sạch vệ sinh môi trường”, “Phát triển đô thị”, “Thắp sáng ước mơ”, “Học và làm theo Bác” … Trong những chuyên mục đó, có lẽ kỉ niệm nhiều nhất trên hành trình tác nghiệp vẫn là chương trình “Thắp sáng ước mơ” - một chương trình từ thiện, nhân đạo hướng đến đối tượng là những trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi. Mới ra trường, phương tiện đi cơ sở của phóng viên chúng tôi hồi ấy chủ yếu là xe máy. Những chuyến đi hàng chục km lên tận các vùng miền núi xa xôi, vào những hôm mưa gió hay dưới cái nắng rát bỏng để đến được với các hoàn cảnh chẳng dễ dàng gì. Nhưng!... Điều khiến chúng tôi ái ngại, trăn trở không phải là sự vất vả trong quá trình tác nghiệp mà là những hoàn cảnh chúng tôi đến. Có những em bé mồ côi, một mình sống trong căn nhà tạm bợ, mưa ướt tứ bề, nắng chiếu tứ phương, hay mắc bệnh hiểm nghèo vẫn theo đuổi ước mơ đến trường với những thành tích đáng khâm phục. Tôi hiểu được hành trình đến với những hoàn cảnh của chúng tôi là hành trình gieo hy vọng. Thế nhưng, cũng không ít lần bản thân thấy bất lực, thấy hoài nghi bởi những gì mình đang làm. Cứ mỗi số được ghi hình, phát sóng, là thêm một sự chờ đợi. Chờ những phản hồi, tương tác của khán, thính giả để các em có cơ hội vươn lên. Cứ một hai, số phát sóng chưa nhận được sự tương tác của khán giả với các hoàn cảnh được phản ánh là thêm một lần trăn trở. Trăn trở với cách thức thể hiện, phương thức chuyển tải, liệu mình đã thực sự làm tốt chua, đã cố gắng hết mình chưa? Vẫn biết là trong những hoàn cảnh mình phản ánh không phải hoàn cảnh nào cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của khán, thính giả. Hồi đó mạng xã hội cũng chưa phát triển như bây giờ, và để những số phận, những mảnh đời được biết đến, được sẻ chia còn tùy thuộc cả vào một chút “may mắn”. Hành trình “Thắp sáng ước mơ” của chúng tôi có không ít gian nan, thế nhưng trong khó khăn, vất vả luôn có những niềm vui. Trong số các chương trình phát sóng cũng không ít mảnh đời đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ. Có khi chỉ là một chiếc xe đạp để đường đến trường trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn, có khi là một đơn thuốc được khán giả muốn gửi đến các em. Nhớ nhất vẫn là câu chuyện của em Đậu Anh Tuấn, ở xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc. Một cậu học trò ngoan, hiền, học giỏi nhưng hoàn cảnh hết sức éo le. Bố mất trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Tuấn vẫn gắng gượng vượt nỗi đau thi đậu vào đại học Dược. Hoàn cảnh khó khăn, mẹ đau yếu nuôi 4 người em đang ăn học, giấc mơ giảng đường đại học với Tuấn dường như quá xa vời. Sau khi hoàn cảnh được phản ánh, Tuấn đã được một mạnh thường quân ở Hà Nội nhận hỗ trợ kinh phí học tập suốt 5 năm đại học. Niềm vui của cậu học trò nghèo gọi điện khoe ngay trong đêm đã truyền cho chúng tôi năng lượng tích cực, nỗ lực hơn để có thêm nhiều ước mơ được chắp cánh.

12 năm trong nghề, phụ trách thêm nhiều chương trình, tiếp cận thêm nhiều lĩnh vực. Nhưng niềm vui trong công việc đôi khi chỉ đơn giản như thế. Đó là sự nhiệt tình, vui vẻ, chân thành của những người từng gặp: các cô, bác nông dân chân chất, hiền lành, mến khách hay các anh bộ đội vui tính, nhiệt tình...; Là những cú điện thoại khi đầu dây bên kia là những khán, thính giả quen thuộc của mình. Có khi là phản ánh về một vấn đề bức xúc ở cơ sở, là những boăn khoăn về những chính sách chưa thực sự đến được với người dân. Còn nhớ, năm 2017, khi tôi còn ở phòng Chuyên đề, sau khi thực hiện phóng sự: Bất cập hệ thống cây xanh trên dải phân cách tại thị trấn Nghèn, Can Lộc, chỉ sau một ngày phát sóng, hôm sau cũng trên đoạn đường đó, hệ thống cây xanh đã được cắt tỉa, chỉnh trang gọn gàng hơn và sau này những vị trí cây xanh che khuất tầm nhìn đã được thay thế. Cho đến bây giờ mỗi lần đi qua đoạn đường ấy, nhìn thấy tuyến đường thông thoáng, an toàn hơn, một niềm vui dâng trào khó tả. Một câu chuyện cũng khiến tôi nhớ mãi đó là câu chuyện về sự khó khăn trong quá trình sử dụng nước sạch của các xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ. Tháng 6/2021, một người họ hàng sống tại xã Cẩm Thành đã trực tiếp gọi điện cho tôi như một lời thỉnh cầu: “O ơi! Vào làm cho cậu cái phóng sự đi. Cả tháng rồi không có nước tắm, cả xóm đi xin nước. Khổ lắm!”. Kỳ thực phóng sự chưa lên sóng, chỉ mới ngày hôm sau, bác thôn trưởng đã gọi điện thông báo “nước đã về làng” còn quay luôn cảnh trẻ con trong nhà thi nhau tắm. Cảm giác của tôi lúc đó như chính mình là người trong cuộc vậy.

Rồi cả những câu chuyện “dở khóc, dở cười” cũng trở thành kỷ niệm đẹp. Trong lần tác nghiệp tại sự kiện “Khai trương du lịch biển Hà Tĩnh” năm 2022, chương trình vừa bắt đầu chưa được bao lâu thì trời bỗng dưng đổ mưa. Do cả ngày nắng to nên hầu như chẳng ai có sự phòng bị nào. Cái áo mưa độc nhất thì cũng dành để trùm bảo vệ máy quay khỏi ướt, vậy là chúng tôi đành đội mưa tác nghiệp. Vừa làm tin, vừa làm ghi nhanh trong điều kiện thời tiết mưa như trút, chưa biết xoay xở thế nào để có thể hoàn thành công việc. Lo nhất hình ảnh sự kiện có đảm bảo không, làm cách nào để di chuyển phỏng vấn khán giả mà máy quay và mic không bị ướt? Đúng lúc tôi cùng anh quay phim đang lom khom di chuyển, dùng thân mình để che chắn cho thiết bị đỡ bị ướt mưa thì có một vị khán giả cố vẫy từ xa. Chúng tôi nhìn nhau chưa hiểu chuyện gì thì người đó chỉ tay vào chiếc ô duy nhất mình đang dùng ra hiệu cho chúng tôi tới lấy. “Em dùng đi, các bạn tác nghiệp cần hơn mình”, anh chỉ nói vậy rồi đẩy vội chiếc ô về phía tôi, tiếp tục đứng dầm mưa theo dõi sự kiện. Mưa ướt sũng, người đã thấm lạnh mà cảm giác ấm lòng đến lạ.

Sẽ chẳng thể nào kể hết được về những kỉ niệm trong hành trình tác nghiệp, những nơi từng đến, những người từng được gặp. Nhưng những câu chuyện nghề cứ tiếp nối nhau như thế giúp chúng tôi bồi đắp thêm tình yêu và sống hết mình với nghề. Bởi những vui, buồn hay khó khăn mà nghề mang lại đều là những trải nghiệm thú vị. Chúng tôi đã có mặt ở mọi nơi, tác nghiệp ở mọi hoàn cảnh, mọi sự kiện để chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất, kịp thời nhất tới công chúng. Những sự phản hồi, tương tác, những thay đổi tích cực sau mỗi chương trình phát sóng hay sự yêu mến, tin tưởng của công chúng dành cho chúng tôi trong hành trình tác nghiệp chính là động lực lớn để những người làm báo hoàn thiện hơn, yêu nghề hơn và có những tác phẩm hay, cảm xúc giúp truyền tải những điều tích cực đến khán, thính giả.

Nguyễn Lan Chi
Phòng Thời sự - Đài PT&TH Hà Tĩnh

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015