Chân dung nhà báo --  10:06 Thứ ba, 10/11/2020

Nguyễn Uyển - Số thành một đời miệt mài cày cuốc báo & văn

Bộ sách ba tập dày tổng cộng hơn 1.830 trang khổ lớn có thể được coi như cái mốc đánh dấu một quãng đời hơn 50 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển trong lĩnh vực báo chí truyền thông.


Bộ sách ba tập dày tổng cộng hơn 1.830 trang khổ lớn có thể được coi như cái mốc đánh dấu một quãng đời hơn 50 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Tập I “Lẽ sống I” chọn 63 bút ký chân dung những người ông quen biết, Tập II “Lẽ sống II” cũng gồm đúng 63 bài bút ký viết về những miền quê, và Tập III “Nghề Khắt khe Nghiệt ngã” tập hợp 77 bài về nghề nghiệp của mình, gồm ba phần: “Rèn đức”, “Luyện nghề” và “Cố kết với điểm tựa”. Đây giống như các sản phẩm thu hoạch vào năm được mùa, khi người dân quê ta thu gom, sàng lọc và ngắm nghía kết quả lao động của mình trong niềm vui gặt hái sau nhiều ngày tháng cày cuốc miệt mài, vui không phải để yên tâm dừng lại mà càng sẵn sàng và hăng hái hơn bước vào mùa làm ăn tới.

Nguyễn Uyển - Số thành một đời miệt mài cày cuốc báo & văn.

Nguyễn Uyển - Số thành một đời miệt mài cày cuốc báo & văn.

ôi quen nhà văn Nguyễn Uyển khá sớm, cách đây gần 50 năm khi ông vừa bước vào nghề báo chưa lâu, đang làm việc tại một tờ báo tỉnh. Ông sống trong một căn nhà giản dị, và như lời ông kể, ngoài công việc ở cơ quan nhà báo ra còn có cái thú là chiều chiều sau giờ làm việc, xắn quần lôi bộ đồ nghề lần ra sông hoặc xuống các ao hồ đánh bắt con cá tươi về cải thiện bữa ăn gia đình. Chao! Những con cá mười lăm phút trước còn giãy đành đạch, mươi lăm phút sau đã bày ra mâm, cùng bạn hữu cụng ly thưởng thức sản phẩm tươi sạch đánh bắt từ dòng sông Thao hay các ao đầm nước luôn trong veo thuộc vùng Trung du nước ta khi môi trường chưa ô nhiễm như ngày nay.

Một thời gian sau Nguyễn Uyển trở thành một ông quan báo chịu trách nhiệm quản lý tờ báo cơ quan của Đảng bộ địa phương. Những bài xã luận, chuyên luận của ông thời đó không bao giờ xa các chủ trương, quyết định của lãnh đạo tỉnh; thi thoảng ông viết một số bài bút ký đăng báo nhà hoặc báo bạn và báo chí ở Trung ương, các bài ký của các tờ báo ở địa phương do khuôn khổ hẹp thường bị hạn chế về số lượng từ nhưng không ít tác phẩm ngắn gọn của Nguyển Uyển hồi ấy, nói thật lòng, đọc vẫn thấy lai rai.

Do nhu cầu công tác, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam được sự đồng tình của lãnh đạo tỉnh, mời ông về Hà Nội làm việc tại Cơ quan Trung ương Hội, cùng vài anh em nữa lo phần công tác Hội. Cuộc sống hằng ngày thời ấy cho dù còn lắm khó khăn, nhất là trong thời gian đầu ông mới về ngụ tại Thủ đô, Nguyễn Uyển vẫn hăng hái nhập cuộc. Ông đi nhiều, viết khỏe, hội nghị nào cũng có mặt, các địa phương xa trắc trở đò giang đến mấy ông cũng cố bươn tới nơi; nhà báo lại có tài chuyện trò dí dỏm, dễ dàng kết thân với nhiều bạn hữu gần xa. Ông đã cùng tôi đi công tác tại nhiều nơi trên đất nước, vào bên bờ sông Thạch Hãn và sông Nhùng thắp nén hương lên Đài Liệt sĩ trong Thành cổ Quảng Trị, thăm di tích kháng chiến ngay bên trong Thánh địa La Vang; có năm cùng nhau lên tận chiến trường xưa Điện Biên Phủ vái hương hồn các liệt sĩ rồi về bản Mường Phăng thăm căn hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày ông chỉ đạo chiến dịch Điện Biên. Đến đâu ông cũng để mặc cho “xếp” lo việc giao du trò chuyện, Nguyễn Uyển chỉ lặng yên quan sát, thỉnh thoảng đưa chiếc máy ảnh lên ghi một vài tấm hình kỷ niệm. Thế nhưng không ít câu chuyện cũng như những người và cảnh ông nghe, quan sát từ những chuyến đi ấy rồi sẽ được thể hiện thành những bài viết hoàn chỉnh hoặc xuất hiện tại các bài sẽ đăng báo, in sách ít lâu sau.

Có thể coi việc chuyển dịch công tác ấy, từ Vĩnh Phú về Hà Nội là một cái mốc đánh dấu sự đổi đời của nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển. Nhờ có thêm nhiều dịp đi nhiều, lại đang sức viết khoẻ, có đôi mắt quan sát tinh tường, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các bậc đàn anh, dần dà Nguyễn Uyển trở thành cây bút được nhiều độc giả biết tên. Từ báo chí ông lần sang lĩnh vực văn chương, viết nhiều truyện, ký đăng trên các báo ở Trung ương và một số địa phương, cho xuất bản không ít tác phẩm văn học, và mau chóng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cách đây mười ba năm ông đã trình làng văn bộ “Nguyễn Uyển tuyển truyện (2006)”.

Đọc toàn bộ bản thảo bộ sách ba tập đồ sộ Nguyễn Uyển cho xuất bản lần này, trong đó có nhiều bài tôi đã xem, tôi càng cảm nhận: nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển đến được ngày hôm nay rõ ràng là kết tinh của một quá trình nhiều tháng năm đi nhiều viết khoẻ, viết không ngưng tay, lại chịu khó đọc và học, sẵn sàng lắng nghe để học hỏi. Vẫn biết “văn hay chẳng cần phải dài”, trong văn học nghệ thuật lại càng phải tâm niệm phương châm “quý hồ tinh”, tuy nhiên từ đây đặt ra một vấn đề khác: Mối quan hệ biện chứng giữa số lượng và chất lượng tác phẩm trong một đời người cầm bút. Lượng biến thành chất, chất thể hiện qua nhiều mặt, trong đó có mặt số lượng. Nghề báo vốn là một nghề cao quý và gian nan, có khi “bạc bẽo” nữa - nói như lời Chế Lan Viên - nhà thơ lỗi lạc và cũng là nhà báo xuất sắc, “cho tôi tỏ lòng biết ơn cái nghề bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành, cái nghề hèn mọn mà lại cao cả đó”. Cao cả bởi báo chí có sứ mệnh phục vụ nhu cầu thông tin của mọi người, vì quyền và lợi ích chính đáng của người dân; phụng sự mục tiêu tối cao của Tổ quốc; giữ gìn, giao lưu, truyền bá những giá trị tinh thần đượm tính nhân văn của đất nước mình và của toàn nhân loại, vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Sứ mệnh ấy, trách nhiệm ấy buộc người làm báo phải lao động hết mình, lao động suốt đời, không nhất thiết chỉ cần đứng ngoài thời cuộc nóng hổi, để lăm lăm chờ dịp mỗi năm tung ra vài ba bài viết “động trời”, gây “chấn động dư luận” là đủ.

Ông cha ta xưa nói: “Dao có mài mới sắc, rìu năng chặt mới bền”. Chúng ta cần lao động không ngưng nghỉ mới mong tay nghề của mình dần dà khá hơn lên. Lẽ đương nhiên con dao muốn sắc chất thép phải cao, cái cán rìu làm bằng gỗ tốt thì cây rìu mới bền; nói cách khác bất cứ nghề gì người hành nghề cũng cần phải có ít nhiều năng khiếu làm cái vốn nho nhỏ ban đầu. Dù vậy, tôi vẫn ghi lòng tạc dạ câu nói của một văn hào phương Tây: “Tài năng của người cầm bút là hằng ngày ngồi vào bàn viết đúng giờ”.

Từ những cảm nhận miên man khi đọc bộ sách đồ sộ của Nguyễn Uyển cho xuất bản lần này, tôi rút ra nhiều bài học trước hết cho chính mình, từ đó trân trọng giới thiệu với bạn đọc bộ ba “Lẽ sống I”, “Lẽ sống II” và “Nghề Khắt khe Nghiệt ngã” của nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển.

Hà Nội, ngày 19/8/2019
Phan Quang
Theo: Báo Công luận

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015