Chân dung nhà báo --  17:48 Chủ nhật, 03/11/2024

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt


Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025), sáng 1/11 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm và trưng bày chuyên đề: "Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt". Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, chuyên gia lịch sử, ngoại giao, các nhà báo lão thành …

Sự kiện diễn ra đúng vào dịp 100 năm ngày sinh nhà báo Lý Văn Sáu (5/11/1924 – 5/11/2024) nhằm góp phần tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến to lớn của nhà báo Lý Văn Sáu - một người cầm bút tận tụy, một tấm lòng son sắt với Đảng, với dân, một trong những nhà báo tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ông đã dành phần lớn cuộc đời cho sự nghiệp làm báo và có nhiều cống hiến trên lĩnh vực thông tin - tuyên truyền đối ngoại và xây dựng ngành phát thanh và truyền hình, thông tấn; để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị - ngoại giao phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tham dự Toạ đàm có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Hồ Tiến Nghị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quang cảnh buổi Toạ đàm

Các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận và phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN; Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam đồng chủ trì tọa đàm.

Sự kiện trưng bày 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày trên 10 vách và 5 tủ hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, nêu bật những đóng góp của ông đối với sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Tiêu biểu như tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong thời gian nhà báo Lý Văn Sáu hoạt động tại Cuba, tại Hội nghị Paris 1968-1973, sổ ghi chép và quá trình hoạt động báo chí…

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Toạ đàm

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: nhà báo Lý Văn Sáu tên khai sinh là Nguyễn Bá Đàn, sinh ngày 5/11/1924 tại làng Yên Nhân, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước. Ông là một trong những nhà báo thuộc lớp trí thức đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông tham gia sáng lập Báo Thắng khi mới 22 tuổi (1946); góp phần gây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói Miền Nam ngay từ thời kỳ đầu; trở thành người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Paris (1968-1973). 

Đất nước thống nhất, ông gắn bó với công tác quản lý báo chí, với hoạt động nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và tiếp tục có nhiều đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao.

Được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường sôi nổi của báo chí kháng chiến, nhà báo Lý Văn Sáu đã nỗ lực vượt khó, kiên trì học tập chính trị, trau dồi chuyên môn, mài sắc ngọn bút để hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Ông là minh chứng cho lòng yêu nghề, sự chung thuỷ với nghề nghiệp và đất nước, con người Việt Nam, luôn sống và làm việc với lý tưởng “Sống với báo, chết với báo”.

Chia sẻ tại buổi Toạ đàm, nhà báo Hà Đăng – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cho biết: Sau Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973), nhà báo Lý Văn Sáu và các đồng nghiệp trở lại mặt trận tuyên truyền, báo chí quen thuộc của mình trong thời kỳ mới. Ông Lý Văn Sáu lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam. Ông còn là Ủy viên Thư ký Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Trong khi giữ cương vị lãnh đạo và quản lý ấy, ông vẫn tiếp tục viết báo, trả lời các phương tiện thông tin đại chúng. Ngòi bút của ông sắc sảo, giọng văn thanh thoát, dễ đi vào lòng người. 

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương phát biểu tại Toạ đàm

“Sau mấy lần bị tai biến, đi lại phải bằng xe lăn, anh vẫn hàng ngày ngồi bên bàn làm việc, với những phương tiện vốn có và chiếc máy vi tính không mấy hiện đại của mình, tiếp xúc rộng rãi thông tin trên mạng và cũng qua đó, tiếp tục có những bài viết mới.” – Nhà báo Hà Đăng xúc động chia sẻ.

Cũng tại buổi toạ đàm, ông Phạm Quang Nghị, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh: Nhà báo – nhà ngoại giao Lý Văn Sáu có đủ những phẩm chất và năng lực rất “hồng”, rất “chuyên”. Trên bất kỳ cương vị nào, nhà báo Lý Văn Sáu đều thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, gây đc tiếng vang lớn trong nước và trên thế giới.

Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội

Nhà báo Lý Văn Sáu đã có những đóng góp hết sức xuất sắc, góp phần cổ vũ, tuyên truyền lan tỏa ra thế giới sự nghiệp cho đấu tranh kiên cường, bất khuất và chính nghĩa của nhân dân ta. Những hoạt động ngoại giao năng nổ và sáng tạo của đồng chí còn góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Cu-Ba anh em.

Nhớ về nhà báo - nhà ngoại giao tài năng Lý Văn Sáu, ông Phạm Quang Nghị chia sẻ: “Đó là một con người ẩn chứa những giá trị đẹp về nhân cách, đạo đức; vừa giàu vốn sống, tri thức vừa rất khiêm nhường - sự khiêm nhường của một con người từng trải, đã qua khổ luyện để hoàn thiện mình. Đó là một nhân cách thấm đậm chất nhân văn, nhân ái, hòa đồng, chia sẻ, vị tha. Cùng với những điều ấy, bác Lý Văn Sáu còn là một tấm gương tự học vô cùng đáng khâm phục.”

Bà Dianet Doimeadios Guerrero, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Cộng hòa Cuba tại Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm

Đại diện đất nước Cuba anh em, bà Dianet Doimeadios Guerrero, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Cộng hòa Cuba tại Việt Nam nhận định: Cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp của ông Lý Văn Sáu thực hiện đầy đủ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam được thành lập vào năm 1962, ông Lý Văn Sáu sang Cuba và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông đã thể hiện tình đoàn kết chung thuỷ với Cuba - đất nước mang lại cho ông rất nhiều tình cảm và sự ngưỡng mộ trong gần một thập kỷ sống và làm việc tại đây, như ông đã khẳng định trong các bài viết của mình. Trên mọi cương vị và trách nhiệm, ông vẫn luôn cống hiến cho đất nước và nhân dân Cuba cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.

“Chiến sĩ dũng cảm Lý Văn Sáu sẽ mãi mãi là người bạn của Cuba, là đại sứ của tình anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cuba; câu chuyện cuộc đời và trong các bài viết của ông là minh chứng cho điều đó, đồng thời là kim chỉ nam cho thế hệ người dân Cuba và Việt Nam hiện tại và tương lai.” - Bà Dianet Doimeadios Guerrero khẳng định.

Các đại biểu tham quan Trưng bày các tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu cũng đã có nhiều chia sẻ về những kỷ niệm quý giá, sâu sắc về nhà báo – nhà ngoại giao tài năng Lý Văn Sáu. Những chia sẻ góp phần khắc hoạ đầy đủ , toàn diện chân dung của ông. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lý Văn Sáu đã minh chứng cho phẩm chất cao quý của một nhà báo cách mạng, một nhà báo chiến sĩ, sống và cầm bút vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Gia đình nhà báo Lý Văn Sáu đã trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Cũng tại chương trình, đại diện gia đình nhà báo Lý Văn Sáu đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số hiện vật quý với mong muốn góp phần làm giàu có hơn những di sản quý báu của 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.

https://hoinhabao.vn/Thuỳ Dương - Huyền My

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015