Văn hóa nghệ thuật --  01:44 Thứ hai, 19/07/2021

Nhịp cầu nối những bờ vui


Núi Hồng ai đắp mà cao

sông Lam ai xới, ai đào mà sâu

Thời Bắc thuộc, vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay được gọi chung là Hoan Châu. Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030 thời nhà Lý, niên hiệu Thiên Thành thứ hai Lý Thái Tông, sau đó lần lượt gọi là Nghệ An châu trại, trại Nghệ An, Nghệ An phủ rồi Nghệ An thừa tuyên. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 21) đổi từ “Nghệ An thừa tuyên” thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ) đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như: xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam, xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh, xứ Lạng… Năm 1831, thời vua Minh mạng, xứ Nghệ tách làm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1976, hai tỉnh hợp lại thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh. Năm 1991, tách ra thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như hiện nay.

Cầu Cửa Hội là tuyến đường bộ ven biển nối liền 2 bờ sông Lam tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, phục vụ đi lại của nhân dân, liên kết các vùng kinh tế và kết nối cảng Cửa Lò và khu du lịch Cửa Lò (Nghệ An), Cảng biển Xuân Hải và khu du lịch Xuân Thành (Hà Tĩnh). Ảnh: P.V

Con sông dài nhất và trọng yếu nhất Xứ Nghệ là sông Lam. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xienkhuang - Lào. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của sông (thường được gọi là sông Cả) chảy trên đất Nghệ An. Phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh rồi đổ ra biển tại cửa Hội. Chiều dài của sông tổng cộng 512km, đoạn chảy trên nội địa Việt Nam khoảng 361 km.

Sông La - phụ lưu sông Lam, dài 12,5 km chảy qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố (từ Hương Sơn đổ về) và sông Ngàn Sâu (từ Hương Khê và Vũ Quang) tại bến Tam Soa (Linh Cảm, Đức Thọ). Đến lượt nó lại hợp lưu với sông Cả (từ Nghệ An chảy sang) tạo thành sông Lam nằm giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam tạo thành biểu tượng văn hóa xứ Nghệ, thường gọi là Nền văn hóa Lam Hồng. Thuở trong nôi, chàng thường nghe mẹ ru: Núi Hồng ai đắp mà cao/ sông Lam ai xới, ai đào mà sâu. Lớn lên, chàng hiểu rằng nói đến xứ Nghệ, không thể tách rời hai danh thắng này, như tình người Nghệ An và Hà Tĩnh bao đời nay vậy: Nếu không có núi Hồng/ Sông Lam buồn biết mấy/ Núi Hồng không đứng đấy/ Sông Lam trong cũng thừa// Những câu hát đò đưa/ Thả neo vào quá khứ/ Bao buồn vui muôn thuở/ Nghĩa tình ôi chứa chan (Xuân Hoài).

Với vị trí bổ đôi Nghệ An và Hà Tĩnh, ngoài những thuận lợi tạo ra, sông Lam cũng gây nên không ít khó khăn cho giao thông xuyên Bắc - Nam. Bởi vậy, không lấy làm ngạc nhiên khi có hàng chục chiếc cầu bắc qua dòng Lam. Chỉ xin dừng lại ba cụm cầu lớn và quan trọng nhất.

Cụm cầu Yên Xuân - Thọ Tường được người Pháp bắc trong thời gian xây dựng đường xe lửa Xuyên Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đường sắt đó khởi công từ năm 1881, hoàn thành ngày 1 tháng 10 năm 1936 và khánh thành một ngày sau đó (2 tháng 10 năm 1936). Cầu Yên Xuân là tên hai cây cầu (bao gồm một cầu đường sắt, một cầu đường bộ) bắc qua sông Lam, nối liền hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An), chủ yếu phục cho tàu hỏa trên tuyến đường sắt Bắc Nam và các loại xe thô sơ, xe gắn máy lưu thông. Ngày 2 tháng 10 năm 2015, nhằm giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân ở các xã phía nam sông Lam thuộc huyện Nam Đàn (Nghệ An) và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cầu đường bộ Yên Xuân mới được khởi công xây dựng. Cầu Yên Xuân mới nằm về phía thượng lưu cầu đường sắt Yên Xuân, nối liền xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên với xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, có chiều dài cầu 1.873 m, bề rộng là 9 m, tốc độ thiết kế 60 km/h. Công trình có tổng mức đầu tư là 730 tỷ đồng, được thông xe vào ngày 3 tháng 9 năm 2016. Cầu Thọ Tường bắc qua sông La trên địa phận Đức Thọ, nối tiếp con đường sắt qua cầu Yên Xuân. Lúc đầu, cầu cũng được thiết kế xây dựng với mục đích như cầu Yên Xuân 1. Giữa tháng 9 năm 1999, cầu Thọ Tường mới bắt đầu được xây dựng và được khánh thành vào ngày 12 tháng 10 năm 2020.  Cầu Thọ Tường mới có chiều dài mặt cầu 300m, rộng 9m, đường kết nối hai đầu cầu 3,7 km, với tổng chi phí đầu tư 214 tỷ đồng.

Cụm Cầu Bến Thủy  bắc qua sông Lam, nhằm thông quốc lộ 1. Trước năm 1990, ô tô - xe máy muốn vượt qua sông ở khúc này phải đi phà, người đi xe đạp hay đi bộ có thể đi thuyền nhưng khá nguy hiểm. Trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, để vận chuyển hàng hóa thuận lợi người ta chủ yếu dùng cầu phao. Đây là một trong những trọng điểm máy bay Mỹ ném bom. Bởi vậy, cùng núi Dũng Quyết soi bóng dòng sông, trở thành biểu tượng anh hùng của quân dân Nghệ An trong thời đánh Mỹ. Cầu Bến Thủy 1 được khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1990 . Cầu dài 630,5m với 13 nhịp, được xây dựng theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cầu trải qua nhiều đợt sửa chữa, nâng cấp. Do nhu cầu giao thông ngày một tăng, Nhà nước đã quyết định xây thêm cầu Bến Thủy II. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 14 tháng 3 năm 2010 và khánh thành vào ngày 7 tháng 9 năm 2012. Cầu là một phần của tuyến tránh thành phố Vinh, kết nối xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) với thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép ứng lực, có chiều dài 996m, bề rộng mặt cầu là 25 m, đáp ứng bốn làn xe lưu thông. Vận tốc thiết kế của cầu là 80km/h.

Mấy năm gần đây, con đường dọc biển mở ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Nhà nước quyết định cho xây cầu Cửa Hội. Cầu kết nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Với chiều dài 1728m, trong đó phần chính gồm 3 nhịp với 2 tháp dây văng hình búp sen. Chiều rộng phần cầu chính 18,5m và phần cầu dẫn 16m. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 15 tháng 2 năm 2019, khánh thành vào ngày 14 tháng 3 năm 2021 với tổng số vốn đầu tư lên tới 950 tỷ đồng.

Nhớ những ngày học Đại học hay Cao học, điều kiện đi lại khó khăn, tôi ít khi về Kỳ Anh. Thỉnh thoảng với chiếc “favôris - đạp ít đi nhiều” về Đức Thọ  (quê vợ). Khi qua phà Bến Thủy, người xe chen chúc - nhất là những ngày mưa lũ, phà bập bềnh, sợ lắm. Có khi đi theo đường tránh, vượt sông La (chỗ Đò Hào). Sông rộng, nước sâu. Khách trên đò phải tuyệt đối im lặng, nín thở đến khi đò cập bến. Sau khi cầu Bến Thủy 1 khánh thành, việc về quê nhẹ như lông hồng.

Về già, mỗi lần qua cầu, chàng hay liên tưởng đến những con sông đời và những nhịp cầu bắc qua. Ngay từ khi chập chững bước vào đời, chàng đã bị một con sông vô hình ngăn cách chàng với những chân trời cao rộng bên kia. Với sự cố gắng dẻo dai, cần cù chịu thương chịu khó, cộng thêm sức mạnh Thượng đế ban cho và sự giúp đỡ của những người hiền may mắn được gặp, chàng đã bắc được ba chiếc cầu nho nhỏ xinh: dạy trẻ, học toán và làm thơ để hòa nhập cùng mọi người dâng hiến chút sức mọn làm đẹp cho cuộc đời.

Lê Quốc Hán

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015