Tin tức sự kiện --  21:30 Thứ bảy, 16/03/2024

Xây dựng môi trường văn hoá là vấn đề sống còn với cơ quan báo chí


Chiều 15/3/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã thống nhất quan điểm để báo chí Việt Nam thực sự “hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn” thì việc xây dựng môi trường văn hoá báo chí phải là vấn đề sống còn.

Việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí cần tiếp tục được lan toả, nhân rộng

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Thời gian qua, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Đáng quan ngại nhất là hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế… Đã xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo, tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu cơ quan,  doanh nghiệp, thậm chí doạ nạt, tống tiền, vi phạm pháp luật, có chiều hướng gia tăng…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, với những người làm báo cách mạng, những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa phải được ngăn chặn, khắc phục.

Để chấn chỉnh đạo đức nhà báo, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan toả, nhân rộng mạnh mẽ. Vì thế, đúng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí", đồng thời công bố Bộ tiêu chí thực hiện “Cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam” trong đó với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo. Và để ngăn chặn, khắc phục, ngoài việc cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho các nhà báo, yêu cầu các nhà báo phải tuân thủ luật pháp, Luật Báo chí, thực hiện nghiêm 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thì một “việc cần làm ngay” nữa là tiếp tục đưa phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí" đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng rãi hơn nữa từ đó tạo nên những kết quả, hiệu quả thực chất hơn nữa.

Cho đến nay, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trên cả nước. Trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày, ngày càng nhiều các cơ quan báo chí có ý thức rõ ràng hơn về việc sử dụng thông tin, hình ảnh đăng báo với tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức, không đăng tải các hình ảnh bạo lực hoặc ảnh hưởng không tốt tới môi trường xã hội; phát huy tích cực tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái với đồng nghiệp gặp hoạn nạn, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, viết bài về các hoàn cảnh khó khăn kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.

Văn hóa của người làm báo được thể hiện bằng hoạt động nghề nghiệp 

Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng Báo chí Cách mạng Việt Nam đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Một bộ phận không nhỏ thậm chí là tại một số các cơ quan báo chí vì những tham vọng và lợi ích nhỏ đã thực hiện việc làm xa rời tôn chỉ, mục đích của tờ báo, thờ ơ với công chúng, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, câu view, câu like… hoàn toàn thiếu tính khách quan để đạt được mục đích về thu nhập kinh tế, tôn chỉ mục đích của tờ báo bị bỏ quên, yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm báo chí không còn được coi trọng, hình ảnh của tờ báo về hình thức cũng như nội dung bị mờ nhạt trong lòng công chúng. Một trong những hệ quả mà các tin tức không đúng sự thật, nó làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các cơ quan báo chí, truyền thông, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận.

Trong bối cảnh thực tế nêu trên, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, xây dựng và tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và bản lĩnh người làm báo văn hóa là một yêu cầu thiết thực và cấp thiết. Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí với mục đích tạo dựng một môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan báo chí nhằm phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể cơ quan trong xây dựng lề lối, nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỷ cương, phong cách ứng xử chuẩn mực, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí.

Chính vì thế, từng cá nhân cho đến tập thể, nếu cùng đồng lòng thực hiện tốt văn hóa công sở tại các cơ quan báo chí sẽ góp phần cho cơ quan, đơn vị phát triển bền vững, tạo nên một môi trường làm việc trong lành, nâng cao tính hiệu quả, sự nghiêm túc trong công tác thông tin truyền thông báo chí.

Theo nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa luôn xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa tại các cơ quan báo chí và đối với hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài đối với Hội Nhà báo, nhất là các cơ quan báo chí và người làm báo, coi đây là động lực, tiêu chí thi đua khen thưởng, thúc đẩy sự phát triển cơ quan báo chí và tổ chức Hội Nhà báo.

Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa đã định hướng và thống nhất, lập văn bản ký kết giữa các cơ quan báo chí và hội viên, cụ thể hóa 12 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, văn hóa của người làm báo thành nội dung phong trào thi đua. Hướng đến các hội viên nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, quan điểm đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Tổ chức các hội thảo báo chí nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức cho các hội viên, nhà báo, phát động phong trào thi đua, các hội viên nhà báo tích cực thực hiện tốt các tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam.

Ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường cho rằng: người làm báo cần có trách nhiệm và nghĩa vụ trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí. Một nhà báo theo đúng nghĩa, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa.

Theo ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường, trách nhiệm của của người làm báo là bằng trình độ và sự hiểu biết của mình để nhận định vấn đề một cách chính xác, khách quan, phản ánh tất cả các vấn đề trong xã hội theo tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, đưa đến cho bạn đọc những nội dung thông tin, bài viết thiết thực nhất, có thông điệp lan tỏa giá trị văn hóa, với mục đích làm cho người đọc hiểu rõ vấn đề, thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi hành vi để cùng nhau hướng đến một cộng đồng xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh.

Người làm báo thực sự là một công dân có trách nhiệm, văn hóa của người làm báo được thể hiện bằng hoạt động nghề nghiệp có tâm, thông tin trung thực, có tầm định hướng dư luận, thông tin rõ ràng, khoa học, tôn trọng sự thật khách quan, phản ánh với ngôn từ thẩm mỹ trong sáng, có văn hóa và “Tâm sáng, Bút sắc, Lòng trong” - nhất quán trong con người, trái tim, sự nghiệp người cầm bút.

"Tôi nghĩ rằng, một nhà báo theo đúng nghĩa, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa. Bởi phải có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, giá trị nhân văn, tính định hướng giáo dục sâu sắc. Luôn ý thức được việc gắn lợi ích của mình với lợi ích của tập thể tòa soạn và góp phần vào sự phát triển chung đất nước." - Ông Hưng chia sẻ.

Mỗi người làm báo thường xuyên phải nâng cao nghiệp vụ về chuyên môn báo chí hiện đại, kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực được phân công theo dõi, đồng thời ý thức trách nhiệm về văn hóa, thực hiện 10 điều Quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam, là người làm báo có nghề, có chuyên môn nghiệp vụ và tư duy mạch lạc.

Trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị, được ví như nguồn nước trong mát trong dòng chảy thông tin của xã hội, mà ở đó cần có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn./.

Mai Chí Vũ

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015