Hoạt động nghiệp vụ --  02:41 Thứ năm, 14/05/2020

Đảng lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển Báo chí Hà Tĩnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sức bén của họ". Trong suốt quá trình 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi báo chí là một công cụ đắc lực, một phương tiện tuyên truyền có sức mạnh to lớn. Báo chí cách mạng là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng Hà Tĩnh giàu đẹp và văn minh.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sức bén của họ". Trong suốt quá trình 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi báo chí là một công cụ đắc lực, một phương tiện tuyên truyền có sức mạnh to lớn. Báo chí cách mạng là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng Hà Tĩnh giàu đẹp và văn minh.

1. Đảng lãnh đạo báo chí phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Hà Tĩnh (1930-1975)

Ngay sau ngày Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được thành lập vào cuối tháng 3/1930, báo Bước tới, tờ báo của Đảng bộ Hà Tĩnh đã được hình thành và ra số đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930 nhằm cổ vũ cho các hoạt động biểu tình rầm rộ khắp nơi trong tỉnh. Cùng thời gian đó, báo Người lao khổ của Xứ ủy Trung kỳ số ra ngày 2/5/1930 cũng đã có tin, bài kịp thời tường thuật, lên án vụ đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân vùng lên đấu tranh. Thời gian này, phong trào Xô-viết diễn ra rầm rộ ở khắp nơi với 170 làng Xô-viết được thành lập. Chưa lúc nào công tác tuyên truyền cổ động được Đảng bộ tiến hành sâu rộng, phong phú như lúc này. Bên cạnh tờ báo Bước tới của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, các huyện ủy cũng ra đời các tờ báo: Báo Tự cứu (Huyện ủy Can Lộc) báo Tiếng gọi (Huyện ủy Thạch Hà) báo Cổ động (Huyện ủy Đức Thọ) báo Bước tới (Huyện ủy Cẩm Xuyên). Các tờ báo của Đảng tập trung phản ánh kịp thời các cuộc đấu tranh, vạch trần các thủ đoạn của địch, vạch mặt một số tên phản động. Nội dung các bài báo còn là tài liệu hướng dẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng. Cùng với báo chí, thơ ca cách mạng được sáng tác, phổ biến bằng nhiều hình thức, góp phần tập hợp quần chúng nhân dân vùng lên làm cách mạng.

Ngày 19/1/1932, Tỉnh ủy Hà Tĩnh bị địch phá vỡ, một số đảng viên bị địch bắt, một số người thoát được vòng vây địch rút về núi rừng Hương Khê, sang Thái Lan. Tháng 3/1935, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức ở Ma Cao (Trung Quốc). Từ tháng 4/1936, Mặt trận bình dân Pháp thi hành một số chủ trương tiến bộ trong đó có việc thả tù chính trị ở các nhà lao. Ngày 8/10/1936, cuộc họp khôi phục lại Đảng bộ được tiến hành. Tỉnh ủy Hà Tĩnh lâm thời được thành lập. Để tuyên truyền chủ trương mới của Đảng, nâng cao giác ngộ cách mạng cho cán bộ đảng viên, hiệu sách Liên Thành thư quán ở thị xã Hà Tĩnh được lập ra. Các tờ báo: Tin tức, Nhành lúa, Lao động, Dân chúng (không ghi của tỉnh hay huyện nào) được phát hành rộng rãi. Nhờ vậy những chủ trương mới của Đảng được phổ biến cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân, góp phần vào sự phát triển của phong trào cách mạng ở các địa phương.

Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, Hội nghị thành lập Ban vận động thống nhất Việt Minh Hà Tĩnh quyết định mở nhà in Phạm Hồng Thái và xuất bản tờ báo Kháng địch, ấn hành các tài liệu của Tổng bộ Việt Minh để truyền bá rộng rãi trong nhân dân, kêu gọi toàn dân ủng hộ Việt Minh để giành chính quyền. Ngành Bình dân học vụ của tỉnh còn xuất bản tờ báo Bạn Dân. Đến tháng 10/1946, hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh. Tỉnh có 3 tờ báo địa phương là Gọi bạn, Liên Việt Hà Tĩnh và Thông tin Hà Tĩnh, trong đó Gọi bạn và Liên Việt Hà Tĩnh là 2 trong số 7 tờ báo lớn ở Khu 4. Ngoài ra, ngành Y tế có tạp chí Khỏe.

Trong những năm 1957-1958, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng cả nước xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất đất nước. Hoạt động báo chí, tuyên truyền càng được chú trọng. Phòng Thông tin Hà Tĩnh trực thuộc UBND tỉnh là cơ quan tham mưu cho tỉnh về quản lý, chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động trong tỉnh. Phòng Thông tin Hà Tĩnh còn có nhiệm vụ quan trọng là chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh ấn hành Tờ tin Hà Tĩnh, cơ quan của UBND tỉnh và xây dựng quản lý Đài truyền thanh Hà Tĩnh. Tờ tin Hà Tĩnh lúc đầu ra mỗi tuần 1 kỳ, sau tăng lên 2 kỳ, mỗi kỳ xuất bản 400-500 tờ. Thời kỳ này, đài, báo, các phương tiện thông tin đại chúng ít ỏi, Tờ tin Hà Tĩnh được coi như một tờ báo của tỉnh, một tài liệu tuyên truyền rất quý. Đến ngày 2/9/1962, Tờ tin Hà Tĩnh ngừng xuất bản, chuyển thành Báo Hà Tĩnh-cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của tờ báo Hà Tĩnh.

Cùng với Đài Phát thanh Hà Tĩnh (sau này phát triển thành Phát thanh-Truyền hình Hà Tĩnh), Báo Hà Tĩnh được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo và tạo điều kiện cơ sở vật chất của Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Tuyên huấn và Ủy ban hành chính tỉnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ nhà báo của Báo Hà Tĩnh và Đài PTTH đã không ngại gian khổ hy sinh, bám sát tình hình sản xuất và chiến đấu của quân và dân ta, đưa tin bài cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều phóng viên đã bám sát trận địa để thu tập thông tin, chụp ảnh để đưa tin viết bài. Nhà báo Phạm Hồ đã lên đường vào Nam phục vụ sự nghiệp báo chí và anh dũng hy sinh, cố nhà báo Trần Nhuệ bị thương khi ra trận địa đưa tin viết bài. Với những thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, Báo Hà Tĩnh vinh dự được Bác Hồ kính yêu tặng bằng khen.

2. Đảng lãnh đạo báo chí phục vụ xây dựng đất nước sau chiến tranh và bước vào thời kỳ đổi mới (1976-1990)

Thời kỳ sáp nhập tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Đài phát thanh Hà Tĩnh được nhập với Báo Nghệ An, Đài phát thanh Nghệ An thành Báo Nghệ Tĩnh, Đài phát thanh Nghệ Tĩnh, Văn nghệ Hà Tĩnh thành Văn nghệ Nghệ Tĩnh.  Bắt tay xây dựng lại đất nước, khôi phục hậu quả chiến tranh, Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh vẫn xác định coi trọng công tác tư tưởng, văn hóa, tăng cường công tác tuyên truyền trên báo chí về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, thành quả của công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền đất có truyền thống văn hóa và cách mạng. Vượt qua bao khó khăn gian khổ của thời kỳ bao cấp, trong điều kiện mới sáp nhập, Báo Nghệ Tĩnh vẫn xuất bản tuần 2 kỳ, sau nâng lên 3 kỳ/tuần. Đài Truyền thanh Nghệ Tĩnh vẫn đều đặn phát đi những bản tin phản ánh không khí thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác của cán bộ đảng viên và nhân dân toàn tỉnh. Không khí lao động trên nhiều công trình lớn với hàng vạn dân công như Kẽ Gỗ, Vách Bắc, Ba-ra Đô Lương, nạo vét sông Nghèn... đã được phản ánh kịp thời trên báo chí, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kỳ mới.

Cuối năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới. BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, phong cách làm việc của cán bộ đảng viên, lãnh đạo chỉ đạo Báo Nghệ Tĩnh, Đài phát thanh Nghệ Tĩnh và các tờ báo, tạp chí, bản tin khác trong tỉnh phản ánh không khí đón nhận Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, thứ VII của Đảng. Báo chí tập trung tuyên truyền nhiều hơn cho việc cải tiến quản lý trong Nông nghiệp, thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư “về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”. Trong thông tin, tuyên truyền không còn nói một chiều, áp đặt như trước mà chú ý đến sự tiếp nhận, phản ánh từ công chúng, không chỉ biểu dương, cổ vũ mà còn phê phán yếu kém, nhược điểm. Báo chí tăng dần các bài điều tra, phê bình đối với các đơn vị làm ăn thua lỗ, lãng phí, tham nhũng, được dư luận hoan nghênh.

Đảng lãnh đạo báo chí thời kỳ đổi mới, hội nhập (1991-2020)

Từ sau ngày tái lập tỉnh (8/1991) cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh bắt tay xây dựng tỉnh nhà từ cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện công cuộc đổi mới trên vùng quê thiên tai bão lũ thường xuyên. Để huy động tốt sức mạnh toàn dân thực hiện mục tiêu phương hướng mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, Đảng bộ Hà Tĩnh đã chú trọng phát triển báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Báo chí Hà Tĩnh có bước phát triển mới. Ngoài 2 cơ quan báo chí chủ lực là Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, có thêm Tạp chí Hà Tĩnh - Người làm báo, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, các bản tin nội bộ của các sở ban ngành, các huyện thị. Tạp chí Hồng Lĩnh có nhiều đổi mới. Hội Nhà báo Hà Tĩnh làm tốt vai trò tập hợp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng tuyên truyền cho báo chí, chỉ đạo các địa phương, ban ngành quan tâm giải quyết những vấn đề báo chí nêu. Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tuyên truyền tốt nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh kịp thời các vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội lên mặt báo, biểu dương người tốt việc tốt, tập thể và cá nhân điển hình, phê phán những hạn chế, tiêu cực. Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh ngày càng được lãnh đạo các cấp và bạn đọc, khán thính giả đánh giá cao, là hai cơ quan báo chí giành nhiều giải và giải cao tại giải báo chí Hà Tĩnh (sau này là giải báo chí Trần Phú) tổ chức hàng năm.

Giai đoạn hiện nay, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT và các ngành, các địa phương, báo chí Hà Tĩnh đã có bước phát triển vượt bậc. Số lượng ấn phẩm nhiều hơn, báo điện tử ra đời và phát triển mạnh mẽ theo xu hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Hiện Hà Tĩnh có 6 tờ báo in gồm: Báo Hà Tĩnh, Tạp chí Thông tin tư tưởng của Tỉnh ủy, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Khoa học, Đặc san Hà Tĩnh -Người làm báo. Báo in Hà Tĩnh phát triển thành nhật báo (6 kỳ/tuần) trong đó có báo ngày và Hà Tĩnh cuối tuần. Báo Hà Tĩnh (BHT) điện tử cập nhật tin tức hàng giờ, với các sản phẩm: tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình dẫn hiện trường, video clip, Emagazine, longfom, báo nói điện tử. Thông tin nhanh, đúng, trúng, hay. Lượt truy cập bình quân năm 2019 của Báo Hà Tĩnh là 15 vạn lượt/ngày, bạn đọc nhiều lứa tuổi, tầng lớp, trong nước và kiều bào nước ngoài. Đài PTTH tỉnh tăng chương trình, thời lượng phát sóng, số hóa mặt đất, chương trình đa dạng và hấp dẫn. Ngoài ra còn có 8 văn phòng đại diện và 31 phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trong nước hoạt động tại Hà Tĩnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên coi trọng công tác lãnh đạo báo chí, coi đây là lĩnh vực quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là vào những thời điểm quan trọng, nhạy cảm, dư luận trái chiều. HĐND, UBND tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Báo Hà Tĩnh, Đài PTHT tỉnh. Giải báo chí Hà Tĩnh hàng năm do Hội Nhà báo tổ chức được nâng cấp thành giải báo chí Trần Phú. Hàng năm, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Tết cổ truyền, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, biểu dương báo chí và trao Giải báo chí Trần Phú.

Tác nghiệp.    Ảnh: VŨ THANH ĐỨC

Báo chí Hà Tĩnh cũng thể hiện rõ vai trò “chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đưa thông tin đảm bảo khách quan, toàn diện, nhanh nhạy phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh; định hướng dư luận, biểu dương “người tốt việc tốt”, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, phản động, phê phán những hiện tượng tiêu cực của xã hội và “sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên”, góp phần tích cực xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ đề ra. Đại đa số các nhà báo đều “trí sáng, lòng trong, bút sắc”, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức tác phong của người làm báo cách mạng. Bên cạnh làm tốt việc phản ánh trên báo chí còn kêu gọi từ thiện xã hội rất lớn để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Ghi nhận những thành tích xuất sắc của đội ngũ những người làm báo, Chính phủ đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đài PTTH tỉnh và Huân chương Lao động hạng Nhất cho Báo Hà Tĩnh.

95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH và sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bùi Minh Huệ
Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh

BÌNH LUẬN


0 bình luận

Họ tên (*)
Email (*)
Nội dung (*)

Hội nhà báo Hà Tĩnh Việt Nam


Địa chỉ: 34B Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Tel: 02393.855463 - 02393.850548
Website: Hoinhabaohatinh.org.vn
Email: Nguoilambao168@gmail.com - Contact@hoinhabaohatinh.vn

Copyright(C) 2015 by hoinhabaohatinh.org.vn
Giấp phép số: 03/GP-STTTT cấp ngày 18/12/2015